Đêm 15, rạng sáng 16 tháng 6 tới, chúng ta sẽ có cơ hội quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần kéo dài trong suốt 100 phút. Đây sẽ là nguyệt thực kéo dài thứ hai Việt Nam quan sát được trong thế kỉ 21 này.
Có khoảng 85 lần nguyệt thực toàn phần diễn ra trong toàn bộ thế kỉ 21 này (từ năm 2001 đến năm 2100). Theo những số liệu đã được thống kê hiện nay thì lần nguyệt thực dài nhất là nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra vào ngày 27/7/2018 (chúng ta sẽ phải đợi 7 năm nữa để chứng kiến hiện tượng này), còn lần này là lần dài thứ hai mà Việt nam có thể quan sát với độ dài chỉ kém lần năm 2018 có khoảng 3 phút.
Trong lần nguyệt thực này, người quan sát ở Việt Nam có thể quan sát hầu hết các giai đoạn của hiện tượng trừ giai đoạn nửa tối kết lúc kết thúc. Thời gian quan sát sẽ là rạng sáng ngày 16/6 (tức sau nửa đêm 15/6).
Mặt Trăng trong đêm 15, rạng sáng ngày 16 sẽ có vị trí nằm giữa khu vực của 2 chòm sao Ophiuchus và Scorpius, vào thời điểm nguyệt thực toàn phần, cấp sao (biểu kiến) của Mặt Trăng là 1,6998 trong khi bình thường vào ngày trăng tròn cấp sao của nó là -12,74 còn ngôi sao sáng nhất bầu trời là Sirius có cấp sao -1,46 (thiên thể càng sáng thì cấp sao càng nhỏ), điều này có nghĩa là Mặt Trăng sẽ trở thành một vật thể tối hơn hẳn lúc bình thường.
(Hình trên: Vùng tối là những khu vực có thể quan sát nguyệt thực toàn phần, Việt Nam nằm trong khu vực đó)
Theo giờ Việt Nam (rạng sáng 16/6):
~00h24: Nguyệt thực nửa tối bắt đầu (Mặt Trăng chuyển sang màu đỏ nhạt)
~01h22: Bắt đầu nguyệt thực một phần (một phần chuyển sang đỏ sẫm, tối)
~02h22: Bắt đầu nguyệt thực toàn phần (toàn bộ Mặt Trăng thành đỏ sẫm, tối)
~04h02: Nguyệt thực toàn phần kết thúc (chuyển sang giai đoạn một phần)
~05h02: Kết thúc nguyệt thực một phần
Nguyệt thực nửa tối còn lại sẽ kéo dài đến ~06h00 tuy nhiên lúc này trời đã sáng rõ và chúng ta không thể quan sát giai đoạn này.
Lưu ý:
- Trong các mốc thời gian trên không ghi rõ ra đơn vị giây, và để dấu "~" phía trước do giờ được các nhà thiên văn tính ra là giờ UT (Universal time), còn giờ dân dụng của chúng ta tính theo chuẩn GMT nên có thể lệch nhau 1 số giây.
- Bạn không cần bất cứ thiết bị bảo vệ mắt nào vì nguyệt thực hoàn toàn vô hại (không như nhật thực).
- Ống nhòm hoặc kính thiên văn sẽ giúp bạn có cơ hội quan sát chi tiết hơn bề mặt Mặt Trăng vì không còn bị lóa như thường ngày.
- Đọc thêm bài "Nhật thực và Nguyệt thực"
Tham khảo từ NASA.gov, Hermit.org, Eclipsegeeks.com
Đặng Vũ Tuấn Sơn
CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam - VACA
(vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn www.thienvanvietnam.org nếu bạn copy và sử dụng bài viết này)