Đây là một trong những bức ảnh nổi tiếng đầu tiên của kính thiên văn không gian James Webb (JWST) đã được công bố vài tháng trước: một lớp khí và bụi tuyệt đẹp được chiếu sáng bởi một ngôi sao đang chết nằm ở trung tâm của nó.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu qua phân tích dữ liệu từ chiếc kính thiên văn mạnh nhất lịch sử này đã thấy bằng chứng của ít nhất hai ngôi sao chưa được biết tới trước đây đang ẩn mình trong nghĩa địa sao này.
Tinh vân Vòng phương Nam nằm trong thiên hà Milky Way của chúng ta, cách Trái Đất khoảng 2000 năm ánh sáng, trước đây được cho rằng chỉ có chứa hai ngôi sao.
Một trong hai sao được biết từ trước này nằm ở trung tâm của tinh vân. Nó là một sao lùn trắng, với lớp vỏ ngoài đã được ném vào không gian ở giai đoạn cuối đời của nó từ hàng nghìn năm trước, tạo thành đám mây bao quanh ngôi sao. Vì độ sáng đã giảm, sao lùn trắng này khó được nhìn thấy hơn so với ngôi sao còn lại trong bức ảnh mà Webb đã công bố hồi tháng 7.
Sao lùn trắng đã mang lại cho các nhà thiên văn một cái nhìn về cách mà Mặt Trời của chúng ta sẽ chết đi trong tương lai vài tỷ năm nữa. Khác với Mặt Trời, ngôi sao trong tinh vân này không đơn lẻ mà có một đồng hành - là ngôi sao sáng hơn mà bạn có thể thấy ở bức ảnh của Webb.
Tuy nhiên, theo nhà vật lý thiên văn Philippe Amram ở Phòng thí nghiệm Vật lý thiên văn Marseille (Pháp), hệ sao kép vốn dĩ rất phổ biến trong thiên hà này không giải thích được cấu trúc bất thường của tinh vân.
Amram là một trong các đồng tác giả của nghiên cứu đã được công bố mới đây trên Nature Astronomy, trong đó các nhà nghiên cứu phân tích các quan sát của Webb để khám phá chi tiết hơn những bí mật của tinh vân này.
Kể từ khi được phát hiện bởi nhà thiên văn người Anh lafJohn Herschel vào năm 1835, tinh vân này đã được các nhà thiên văn chú ý bởi hình dạng kỳ lạ và không có dạng cầu rõ rệt của nó.
Qua việc phân tích dữ liệu từ các máy ảnh hồng ngoại của Webb, các nhà nghiên cứu cho biết họ tìm thấy bằng chứng về việc có ít nhất hai ngôi sao khác bên trong tinh vân - một tinh vân có đường kính bằng 1.500 lần khoảng cách từ Mặt Trời tới Pluto.
Mặc dù cặp sao mới được phát hiện này có khoảng cách khá xa so với hai sao đã biết trước đó, cả bốn ngôi sao (hoặc có thể là năm) đều nằm ở khu vực trung tâm của tinh vân.
Chúng đủ gần để tương tác với nhau, và quá trình đó tạo nên hình dạng kỳ lại của tinh vân, Amram cho biết.
Kính James Webb bắt đầu công bố những hình ảnh đầu tiên của mình vào tháng 7, và tới nay đã mang tới một lượng dữ liệu ngoài cả kỳ vọng. Các nhà khoa học hoàn toàn có thể trông đợi vào một kỷ nguyên mới của khám phá.
Bryan
Theo Phys.org