NASA đã xác nhận một cột mốc quan trọng về vũ trụ trong Kho lưu trữ về các ngoại hành tinh.
Hơn 400 năm trước, Galileo đã vượt lên sự hiểu biết của loài người về vũ trụ khi ông nhận ra rằng Trái Đất không phải là trung tâm của vũ trụ và thế giới của chúng ta quay quanh Mặt Trời, chứng minh giả thuyết của Nicolaus Copernicus từ những năm 1500 là đúng.
Cách đây chỉ một thế kỷ, các nhà thiên văn học tin rằng Milky Way là toàn bộ vũ trụ. Mãi cho đến năm 1925, khi Edwin Hubble có thể đo khoảng cách tới một ngôi sao trong thiên hà Andromeda, loài người mới phát hiện ra rằng “vũ trụ” của chúng ta chỉ là một thiên hà trong một vũ trụ mênh mông.
Và vào năm 1995, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra ngoại hành tinh đầu tiên chuyển động quanh một ngôi sao khác giống Mặt Trời ở trong Milky Way, khiến Hệ Mặt Trời của chúng ta không còn là độc nhất.
Giờ đây, chỉ vài thập kỷ sau, các nhà khoa học đã xác nhận hơn 5000 ngoại hành tinh trong thiên hà của chúng ta. Kỷ lục mới đạt được vào ngày 21 tháng 3 khi 65 ngoại hành tinh mới được thêm vào Kho lưu trữ ngoại hành tinh của NASA. Những lưu trữ về các ngoại hành tinh mới phát hiện đã được công bố trong các bài báo và được “xác nhận” khi chúng được phát hiện thấy hoặc được xác minh bằng các kỹ thuật.
“Đó không chỉ là một con số”,Jessie Christiansen, trưởng nhóm khoa học của kho lưu trữ cho biết trong một thông cáo báo chí. “Mỗi một hành tinh trong số chúng, là một thế giới mới, một hành tinh hoàn toàn mới. Tôi hứng thú với tất cả chúng vì chúng ta vẫn chưa biết gì về chúng cả”
Những điều mới lạ
NASA vẫn theo dõi xem các ngoại hành tinh mới phát hiện thuộc loại nào. Khoảng 35% các hành tinh trong kho lưu trữ có dạng Sao Hải Vương, có nghĩa là chúng có kích thước tương tự hành tinh băng khổng lồ trong Hệ Mặt Trời của chúng ta. Nhưng những hành tinh này có thể ở gần ngôi sao của chúng hơn nhiều, tạo ra các "Sao Hải Vương nóng". Khoảng 31% các hành tinh dạng siêu-Trái Đất trong khi 30% khác là những hành tinh khí khổng lồ như Sao Mộc. 4% cuối cùng là các hành tinh đá, nhỏ.
Nhưng trong khi các ngoại hành tinh thường được so sánh với các hành tinh trong chính sân nhà của chính chúng ta, thì có rất nhiều những hành tinh kỳ lạ nằm rải rác trong thiên hà của chúng ta. Một vài ví dụ dưới đây:
WASP-76 b
Năm 2013, Đài quan sát VLT của ESO đã quan sát kỹ một ngoại hành tinh được gọi là WASP-76 b. Ngoại hành tinh này, cách chúng ta 640 năm ánh sáng, đã bị khoá triều với ngôi sao của nó, có nghĩa là một bên thì có ánh sáng vô tận trong khi bên còn lại là một màn đêm vĩnh hằng. Nhiệt độ của bên sáng lên tới hơn 4300 độ F (2400 độ C), trong khi khi bên tối là khoảng 2700 độ F (1500 độ C).
Và sự chênh lệch lớn về nhiệt độ như vậy mang đến những tác động mới lạ đối với thời tiết của WASP-76 b. Ở bên sáng, nhiệt độ cao đến mức kim loại - chẳng hạn như sắt - cũng bốc hơi. Những cơn gió mạnh gây ra bởi sự chênh lệch nhiệt độ, được cho rằng đã mang sắt dạng hơi sang bên tối, nơi nó ngưng tụ và mưa xuống bề mặt.
WASP-12 b
Khác với phần lớn các ngoại hành tinh khác trong danh sách này, số phận của WASP-12 b đã được xác định. Cách chúng ta 1400 năm ánh sáng, ngoại hành tinh này quay chỉ cách sao chủ của nó 2,1 triệu dặm (3,5 triệu km), một khoảng cách gần đến mức khiến ngôi sao xé toạc hành tinh này. Lực triều vô cùng lớn gây ra bởi lực hấp dẫn của ngôi sao đã làm biến dạng khối khí khổng lồ này thành hình quả trứng. Các nhà thiên văn học ước tính rằng chỉ trong 10 triệu năm nữa, ngôi sao sẽ ăn trọn hành tinh này.
TrES-2 b
Thứ tối nhất trên bầu trời của phần vũ trụ đã biết, không đâu khác ngoài TrES-2 b, hành tinh của màn đêm vĩnh cửu.
Với khối lượng chỉ gấp 1,5 lần Sao Mộc, thế giới xa xôi này phản xạ dưới 1% ánh sáng Mặt Trời, khiến nó có màu đen hơn cả than. Không có hành tinh hay vệ tinh nào trong Hệ Mặt Trời của chúng ta tối đen như thế giới này. Tuy nhiên, vì bầu khí quyển của nó nóng như dung nham, một số nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng ánh sáng màu đỏ có thể đi xuyên qua bóng tối - một cảnh tượng kỳ lạ cho bất kỳ du khách nào ghé thăm.
Gliese 436 b
Trên Trái Đất, băng được gắn liền với nhiệt độ đóng băng, nhưng trên Gliese 436 b, nơi nhiệt độ có thể lên đến gần 1000 độ F (540 độ C), băng cháy.
Nằm cách ngôi sao của nó chỉ 2,5 triệu dặm (4 triệu km), Gliese 436 b vẫn giữ được bầu khí quyển nhờ có kích thước dạng Sao Hải Vương. Nhưng chính lực hấp dẫn đã giúp nó giữ được bầu khí quyển lại tạo ra một áp suất đủ để khiến nước chuyển sang trạng thái rắn bất chấp nhiệt độ cao của hành tinh - tương tự như cách mà carbon trở thành kim cương dưới áp suất đủ mạnh. Nhưng dạng nước ở thể rắn mới này có thể sẽ khác rất nhiều so với băng mà chúng ta thấy trên Trái Đất.
PSR B1620–26 b
Là hành tinh lâu đời nhất được biết đến trong Milky Way, PSR B1620–26 b quay quanh một cặp sao sắp cháy hết. Sống sót sau cái chết của không chỉ một mà là hai ngôi sao là một kỳ tích ấn tượng đối với hành tinh 13 tỷ năm tuổi. Và dựa trên tuổi của nó, thế giới này cho thấy rằng những hành tinh đầu tiên được hình thành rất nhanh sau vụ nổ Big Bang, có thể chỉ trong 1 tỷ năm đầu tiên.
Đây chỉ là một chút thi vị của những thế giới mới lạ trong vũ trụ. Trong khi NASA đã xác nhận 5000 ngoại hành tinh, 6000 ứng cử viên khác vẫn đang chờ được Kho lưu trữ ngoại hành tinh của NASA công nhận. Và với ước tính khoảng 100 tỷ ngoại hành tinh chỉ riêng trong Milky Way, có rất nhiều khám phá khác đang chờ chúng ta trong những thập kỷ tới.
Vũ Dũng
Theo Astronomy