James Webb telescope

James Webb đã được đặt trong một container bảo vệ khổng lồ, chở qua kênh đào Panama cùng với tất cả các kế hoạch tỉ mỉ để phóng lên chiếc kính thiên văn không gian tiên tiến và lớn nhất thế giới.

NASA hiện đang căn chỉnh 18 tấm gương tráng vàng trên kính James Webb (JWST) trị giá 10 tỷ USD, có kích thước lớn nhất và sử dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới thuộc loại này. JWST đã được phóng vào dịp Giáng Sinh vừa qua và sẽ sớm mở ra một chương hoàn toàn mới trong nghiên cứu không gian: Kính thiên văn này sẽ giúp các nhà khoa học kiểm tra chi tiết các hành tinh xa nhất và nghiên cứu thời kì sơ khai của vũ trụ.

Việc đưa chiếc kính nặng hơn 7 tấn này tới vị trí hiện tại cách Trái Đất hơn 1,6 triệu km là cả một nỗ lực lớn. Chỉ có tên lửa Ariane 5 là đủ mạnh để nâng một vật nặng như vậy - nhưng ngay cả Ariane cũng không đủ lớn để chứa nó. Vì vậy, chiếc kính thiên văn khổng lồ này phải được gấp lại để đặt vào, do đó việc chế tạo trở nên phức tạp hơn nhiều lần.

 

Một hành trình dài tới ngày phóng

Trước khi có thể phóng, JWST phải được xếp gọn trong một khoang chứa bảo vệ khổng lồ có tên là STTARS (Phương tiện vận chuyển kính thiên văn không gian dành cho đường hàng không, đường bộ và đường biển). STTARS nặng khoảng 7,6 tấn và dài 33,53 m, cao 5,5 m. Hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm bên trong container và xe kéo đi kèm với các chai điều áp để cung cấp không khí khô và sạch.

Chuyến đi từ nơi chế tạo của JWST ở California đến địa điểm phóng, đầu tiên là hướng đến cảng thuộc trạm Vũ khí hải quân Seal Beach với tốc độ 8 hoặc 16 km/h. Trước khi khởi hành, nhóm NASA đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để kiểm tra khảo sát tuyến đường, các ổ gà cần lấp và các đèn giao thông phải dỡ bỏ. Charlie Diaz, giám đốc vận hành bãi phóng nói: “Có hàng nghìn thứ khác nhau đang diễn ra ở hậu trường: xin giấy phép, tránh chướng ngại vật, chọn các tuyến đường thay thế…”.

Tại trạm Vũ khí hải quân, STTARS được đưa lên tàu vận tải hàng hóa khởi hành đến Guiana thuộc Pháp, một nơi nằm trên bờ biển phía bắc Đại Tây Dương của Nam Mỹ, nơi có địa điểm phóng chính của ESA. Chuyến đi dài hơn 9.300 km trên biển này đã đưa James Webb đi qua kênh đào Panama đến cảng Pariacabo ở Guiana thuộc Pháp, sau đó tiếp tục được vận tải đường bộ đến địa điểm phóng.

Martin Barstow, giáo sư của khoa Vật lý thiên văn và Khoa học vũ trụ tại đại học Leicester của Anh, nói với các phóng viên rằng: “Đến những khoảng thời gian chuẩn bị cuối cùng, vụ phóng đã có vẻ diễn ra căng thẳng”.

 

Kết thúc

Vào lúc 7h25 sáng ngày Giáng Sinh theo múi giờ EST (tức 18h25 chiều hôm đó giờ Việt Nam), Ariane đã được phóng "từ một khu rừng mưa nhiệt đới đến nơi tận cùng của thời gian" như một nhà bình luận đã nói. Hai phút sau, tên lửa bay với vận tốc gần 8.047 km/h. Sau khi hết nhiên liệu, các phần của tên lửa được thả rơi xuống Đại Tây Dương. Khi Ariane ở độ cao khoảng 129 km so với bề mặt Trái Đất và do đó đang ở bên ngoài bầu khí quyển, phần mũi hình nón dạng khí động học không còn cần thiết nữa. Phần này được tách ra thành hai nửa và được tách rời khỏi tên lửa để giảm trọng lượng. Sau 25 phút bay, bộ phận duy nhất còn lại của tên lửa Ariane - động cơ nhỏ ở tầng trên - đảm nhận công việc mang JWST và đốt cháy một tấn nhiên liệu mỗi phút liên tục trong 15 phút để tăng tốc độ lên khoảng 34.440 km/h. JWST sau đó tách khỏi động cơ trên và bắt đầu hành trình một mình.

Sau nhiều dự đoán, JWST đã đạt đến vị trí cuối cùng và đồng bộ với quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời. Tại điểm này, lực hấp dẫn tổng hợp từ Mặt Trời và Trái Đất sẽ giữ cho kính thiên văn không bị văng vào không gian. Có rất nhiều lợi thế cho vị trí này: một là, nó đủ xa để cung cấp một cái nhìn rõ ràng về vũ trụ, nhưng cũng đủ gần để dễ dàng giao tiếp với Trái Đất. Để tránh nhiệt độ và ánh sáng từ các nguồn như Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng, tấm chắn sáng có kích cỡ bằng một sân tennis sẽ cung cấp cho James Webb năm lớp bảo vệ và giữ cho kính thiên văn ở nhiệt độ ổn định, mát mẻ (giống như một chiếc ô).

Sau một chuyến đi hoàn hảo vào quỹ đạo, thế giới đã theo dõi JWST đi đến trạm quan sát của nó với tầm nhìn tuyệt vời ra vũ trụ. Vào thời điểm đó, quản trị viên trưởng của NASA, Bill Nelson đã nói: “Đây là một ngày tuyệt vời không chỉ đối với các đối tác từ Mỹ, châu Âu và Canada mà còn là một ngày tuyệt vời đối với cả hành tinh”.

Minh Phương
Theo Astronomy.com