LMC

Người bạn đồng hành kế bên Milky Way không chỉ là một vật thể nằm sâu trên bầu trời - nó còn là một thiên hà với vùng trung tâm sôi động đang chờ được khám phá.

Đám Mây Magellan Lớn (LMC) là một thiên thể kỳ diệu, lớn nhất trên bầu trời phía Nam. Nó là thiên hà vệ tinh lớn nhất của Milky Way, chỉ cách chúng ta 160.000 năm ánh sáng, và là thành viên lớn thứ tư trong Cụm Địa Phương. LMC nằm chủ yếu ở trong chòm sao Dorado - một chòm sao nằm xa về phía Nam, nhưng một phần của nó nằm tràn sang chòm sao Mensa kế bên, xa về phía Nam của thiên cầu. Để quan sát được một phần của LMC, bạn phải đi xuống phía Nam của vĩ độ 20° Bắc. Và để nó có được vị trí cao nhất trên bầu trời, bạn cần phải ở vĩ độ 25° Nam.

Với cấp sáng 0,4, LMC là vật thể dễ nhìn thấy bằng mắt thường ngay cả khi ở những khu vực có ô nhiễm ánh sáng nhẹ, vì vậy hãy bắt đầu bằng việc quan sát tổng thể. Dưới bầu trời tối, chỉ dùng đôi mắt của bạn để quan sát LMC. Bạn sẽ thấy vùng sáng nhất của nó là một thanh dài khoảng 5° và rộng 1°. Nó dài gấp 10 lần và rộng gấp 2 lần so với Trăng tròn. Vùng xung quanh là một đám mây mờ hình bầu dục, có kích thước đáng kinh ngạc là 6°x4°. Và bạn có thể quan sát ra xa bên ngoài ranh giới của LMC - chỉ cần sử dụng ống nhòm hoặc kính thiên văn có trường nhìn lớn và độ phóng đại thấp.

Với một chiếc chiếc kính thiên văn khẩu độ 6 inch hoặc lớn hơn và thị kính có độ phóng đại khoảng 200x, từ từ đưa qua đưa lại trước LMC. Bạn sẽ thấy rất nhiều các cụm sao và tinh vân trong trường nhìn. Nếu bạn lắp một kính lọc tinh vân (ví dụ như Oxygen-III) vào thị kính, nó sẽ giúp bạn phân biệt được tinh vân với các cụm sao. Bộ lọc sẽ không làm tinh vân sáng lên, mà nó sẽ chặn hầu hết ánh sáng từ các sao, do đó các cụm sao sẽ nhìn không còn rõ.

Các vật thể sâu nằm trong LMC rất nhiều. Nó chứa không dưới 114 thiên thể NGC. Dưới đây là một vài thiên thể mà tôi rất thích quan sát mỗi khi có cơ hội.

 

Dùng kính mạnh hơn

Hãy bắt đầu danh sách này với NGC 1714. Tinh vân phát xạ nhỏ này (nó có chiều ngang chỉ 1,2’) nằm ở rìa phía Tây của LMC, chỉ hơn 6° về phía Tây Nam của sao Beta Doradus với cấp sáng 3,8. Mặc dù nhỏ nhưng độ sáng của nó cho phép bạn quan sát chi tiết hơn khi tăng độ phóng đại. Với một chiếc kính thiên văn khẩu độ 8 inch, bạn sẽ thấy một vòng tròn sáng và vành phía Bắc sáng chói. Một ngôi sao với cấp sáng 6,3 là GSC 8889:215, nằm 8’’ về phía Tây. Thêm vào đó, mờ hơn một chút là NGC 1715 - một tinh vân phát xạ khác - nằm 1’ về phía Bắc của NGC 1714.

Mục tiêu tiếp theo của chúng ta, cụm sao mở NGC 1755, cũng nằm ở rìa phía Tây của thanh LMC, hơi chếch về phía Nam của NGC 1714. Nó có cấp sáng 9,9 và rộng 2,6’. Một chiếc kính thiên văn 8 inch ở độ phóng đại 100x cho thấy 20 ngôi sao có cấp sáng 13 và 14 nằm trong một vùng rộng 2’. Bạn cũng sẽ thấy một nền sáng mạnh từ nhiều ngôi sao quá mờ mà kính của bạn không thể hiển thị rõ. Một cụm sao mở mờ hơn thế nữa, NGC 1749, với cấp sáng 13,5, nằm 2’ về phía Tây Bắc. Bạn cần khẩu độ lớn hơn 8 inch để phát hiện ra nó.

Mục tiêu tiếp theo của chúng ta - hay tôi nên nói là nhóm các mục tiêu, là 4 tinh vân phát xạ - nằm cách NGC 1755 khoảng 2° về phía Bắc. Chúng cũng nằm gần nhau, trong một khu vực có bề ngang nhỏ hơn 3°. Tinh vân đầu tiên mà bạn chú ý đến là NGC 1763. Nó xuất hiện dưới dạng một đám mây mù dày đặc có kích thước 5’x3’, được bao quanh bởi một nhóm các ngôi sao trông giống như một cụm sao mở - nhưng nó không phải. Dịch 7’ về phía Đông - Đông Nam của NGC 1763, bạn sẽ nhìn thấy NGC 1769. Cuối cùng, NGC 1773 nằm ở 9’ về phía Đông - Đông Bắc của NGC 1963.

Bởi vì LMC là một thiên hà, chúng ta hy vọng rằng nó sẽ chứa đầy đủ các vật thể sâu (ngoại trừ các thiên hà). Khi tìm kiếm NGC 1835, cũng dọc theo phần phía Tây của thanh ngang, và bạn sẽ nhìn thấy một cụm sao cầu, một trong hai cụm duy nhất trong danh sách này. Nó có cấp sáng 10,1 và có chiều ngang 1,2’.

NGC 1835 trông tròn trịa ở độ phóng đại nhỏ, nhưng khi tăng độ phóng đại lên và bạn sẽ thấy các phần mờ nhạt mở rộng về phía Đông và phía Tây, làm tăng gấp đôi chiều dài của nó. Hai cụm sao mở mờ, NGC 1828 với cấp sáng 12,5 và NGC 1830 với cấp sáng 12,6, nằm 6’ về phía Tây Bắc.

 

NGC 1850.

 

Tiếp theo là cụm sao mở khổng lồ NGC 1850. Trên thực tế, các nhà thiên văn học đã phân loại đây là một siêu cụm sao, nó sáng hơn và lớn hơn các cụm sao bình thường, mà nó cũng có thể trở thành một cụm sao cầu sau này. Bạn sẽ thấy NGC ở phía Đông Bắc của thanh LMC, với đường kính biểu kiến là 3,4’. Nó có cấp sáng 9,0.

Hướng chiếc kính thiên văn có khẩu độ 8 inch vào cụm sao này, bạn sẽ thấy khoảng 50 ngôi sao phát sáng ở cấp 13 và 14. Cụm sao nổi bật ở rìa phía Tây của NGC 1850, là NGC 1850A, đã làm vật thể này trở thành một cụm sao đôi.

Vật thể tiếp theo của chúng ta, NGC 1866, là một cụm sao mở khác nằm ở vùng phía Bắc của LMC. Tôi nghĩ vật thể này sẽ khiến bạn phải kinh ngạc khi quan sát qua kính thiên văn có khẩu độ 12 inch hoặc lớn hơn. Nó có cấp sáng 9,7 và dài 4,5’.

Cách dễ nhất để tìm được nó là bắt đầu từ Beta Doradus và dịch 3,7° về phía Nam - Tây Nam. Những ngôi sao sáng nhất trong cụm này phát sáng ở cấp 15, vì vậy bạn cần khẩu độ lớn mới có thể phát hiện được chúng. Với khẩu độ 14 inch và thị kính có độ phóng đại 300x hoặc cao hơn, bạn sẽ thấy hàng trăm ngôi sao.

Di chuyển đến vùng phía Bắc của trung tâm LMC, bạn sẽ bắt gặp một cụm gồm 4 tinh vân phát xạ, nhưng chúng nằm còn gần nhau hơn cả cụm mà tôi đã mô tả phía trên. Thật vậy, NGC 1962, NGC 1965, NGC 1966 và NGC 1970 vừa vặn nằm bên trong một vùng rộng chỉ 5'.

Qua một kính thiên văn khẩu độ 8 inch và độ phóng đại thấp, NGC 1962 sẽ nhìn rõ nhất, mặc dù nó nhìn có vẻ tròn trịa và không có gì nổi bật. Sau đó tăng độ phóng đại lên trên 200x và quan sát vùng phía Bắc và phía Đông của NGC 1962. Bạn sẽ thấy 3 tinh vân còn lại kia nằm dọc theo đường viền của nó.

Mục tiêu tiếp theo của chúng ta là một cụm sao cầu khác trong danh sách này, NGC 2019. Nó nằm ở phía Đông của trung tâm thanh LMC. Nó không sáng, với cấp chỉ 10,9. Nó cũng khá nhỏ, có đường kính chỉ 1’. Lý do mà bạn có thể thấy được nó là vì nó có một vùng trung tâm nhỏ và sáng. NGC 2019 có lõi bị sụp đổ - có nghĩa là các ngôi sao của nó tập trung bất thường ở trung tâm - một hiện tượng có xảy ra trong một số cụm sao cầu khác ở trong những Đám Mây Magellan.

Một chiếc kính thiên văn khẩu độ 8 inch sẽ quan sát dễ dàng được phần lõi. Nó sẽ nhìn giống như hình cục hơn là hình sao. Nâng độ phóng đại lên hơn 200x, bạn có thể sẽ phát hiện được đường viền ranh giới bên ngoài bất thường của NGC 2019. Nếu bạn có thể mở rộng gấp đôi khẩu độ lên 16 inch, từng ngôi sao riêng biệt sẽ xuất hiện.

 

Tinh vân Tarantula.

 

Đối tượng tiếp theo của chúng ta - Tinh vân Tarantula - nổi bật trong danh sách này và là vật thể duy nhất có tên riêng. Nó có 2 tên khác là 30 Doradus và True Lover’s Knot. Nó cũng thường được gọi là NGC 2070, nhưng dùng để chỉ cụ thể đến siêu cụm sao ở trung tâm tinh vân.

Bởi vì nó nằm rất xa về phía Nam, hầu hết những nhà quan sát ở phía Bắc chưa được chiêm ngưỡng thiên thể tuyệt vời này. Và dù cách chúng ta khoảng 160.000 năm ánh sáng, Tinh vân Tarantula trông thật đáng kinh ngạc ngay cả khi nhìn qua kính thiên văn cỡ trung bình. Mặc dù đường kính biểu kiến của nó là 40’ x 25’, đường kính thực của nó dài hơn 1.800 năm ánh sáng một chút. Nếu nó ở gần như Tinh vân Orion (M42), nó sẽ trải dài hơn 60° - một phần ba của bầu trời.

Cụm sao sáng nhất trong Tinh vân Tarantula và vùng hình thành sao đáng chú ý nhất là R136, được đặt tên ở trong Danh mục các Đám Mây Magellan của Đài quan sát Radcliffe, xuất bản năm 1960. Riêng cụm sao này đã phát sáng ở cấp 9,5. 75 ngôi sao loại quang phổ O mà trung tâm của nó có khối lượng lớn nhất, sáng nhất và nóng nhất từng được biết đến. Tổng khối lượng của nó gấp 450.000 lần Mặt Trời. Cụm sao này phát xạ các tia tử ngoại làm tinh vân Tarantula phát sáng.

Những người quan sát chỉ với kính thiên văn khẩu độ 4 inch sẽ thấy được một thanh dày đặc chạy từ Bắc xuống Nam, đi xuyên qua trung tâm của tinh vân. Sau đó hãy nhìn những đường vòng và đường sợi ở trong đám khí. Sợi dài nhất bắt đầu ở gần trung tâm của cụm và kéo dài 7’ về phía Nam. Nó hướng tiếp về phía Đông và uốn cong một đoạn tương đương về phía Bắc. R136 dễ thấy như một vùng rộng 1’, và nếu bạn tăng độ phóng đại, bạn có thể phân biệt được hàng chục các ngôi sao sáng của nó.

Tiếp tục tìm kiếm 2 vùng tối, một cái tối hơn một chút so với cái kia, nằm ngay phía Đông của R136. Cả 2 vùng này đều có những sợi của tinh vân lấn vào. Sự xuất hiện này đã khiến nhà thiên văn học người Anh William Henry Smyth mô tả tinh vân này là Nút thắt của tình yêu đích thực (True Lover’s Knot). Một số tài liệu cho rằng, vào thế kỷ 16, các thuỷ thủ Hà Lan đã thắt những nút thắt tương tự để nhắc họ nhớ về những người tình mà họ đã bỏ lại phía sau.

 

NGC 2100.

 

Khi bạn đã tìm thấy Tinh vân Tarantula, chỉ tiến thêm 0,3° về phía Đông là cụm sao mở NGC 2100. Nó có cấp sáng 9,6 và rộng 2,8’. Nếu bạn sử dụng kính thiên văn khẩu độ 8 inch và độ phóng đại khoảng 200x, thứ nổi bật nhất mà bạn sẽ thấy là một lõi đặc. Bạn sẽ cần độ phóng đại lớn hơn (hoặc một chiếc kính lớn hơn) để nhìn rõ những ngôi sao của nó. Tuy chỉ ở quanh vùng lõi nhưng bạn sẽ thấy được khoảng 2 tá các ngôi sao.

Vật thể cuối cùng trong chuyến thăm quan này là cụm sao mở NGC 2214. Nó có đường kính 3,6’ và cấp sáng 10,9. Bạn sẽ thấy nó nằm cách trung tâm của LMC 4,5° về phía Đông - Đông Bắc. Để xác định tốt hơn, hãy nhìn 0,7° theo hướng Bắc - Đông Bắc của ngôi sao Nu Doradus có cấp sáng 5,1.

Qua một chiếc kính thiên văn khẩu độ 4 inch, bạn sẽ thấy NGC 2214 là một đám mây mờ. Đây là một thử thách thực sự khó khăn, ngay cả với kính thiên văn có khẩu độ 12 inch. Tăng độ phóng đại lên 250x hoặc cao hơn và bạn sẽ bắt đầu nhìn ra được một vài ngôi sao trong cụm ở phần rìa.

 

Từng bước tự quan sát

Khi bạn ngắm Mây Magellan Lớn bằng kính thiên văn, đừng vội nhìn tất cả mọi thứ. Rất nhiều vật thể mà tôi vừa mô tả - ngoại trừ tinh vân Tarantula - sẽ cần phải kiên trì một chút khi nhìn qua thị kính. Tin tôi đi, sự kiên nhẫn của bạn sẽ được đền đáp.

Vũ Dũng, dịch từ bài của Michael E. Bakich trên Astronomy.com