galaxy

Hầu hết các thiên hà, kể cả thiên hà của chúng ta phát triển là nhờ vào việc thu gom vật chất mới và chuyển hóa chúng thành các sao - điều đó chúng ta đã biết, nhưng vật chất mới đó từ đâu tới và làm thế nào mà chúng chảy vào các thiên hà để hình thành các sao là điều tới nay vẫn chưa rõ.

Trong một nghiên cứu được công bố gần đây, nhà thiên văn Sanchayeeta Borthakur của Đại học Bang Arizona (ASU) đã xác định thấy sự thoáng hiện của các hồ chứa nhiên liệu quanh các thiên hà và cách mà nhiên liệu này có thể rơi vào trong đó cho phép chúng hình thành các sao và hệ hành tinh mới. Nghiên cứu của bà đã được công bố trên American Astronomical Society's Astrophysical Journal (một tạp chí chuyên ngành về Vật lý thiên văn của Hiệp hội Thiên văn học Hoa Kỳ)

Nghiên cứu về lĩnh vực hình thành sao trước đây cho rằng một số thiên hà đang sản sinh ra nhiều sao hơn mức trữ lượng khí mà chúng sở hữu dùng để tạo sao. Phó giáo sư Borthakur thuộc khoa Khám phá Trái Đất và Không gian tại ASU cho rằng hẳn phải có luồng khí mới từ ngoài đang di chuyển vào các thiên hà đồng thời hỗ trợ cho việc tạo sao và các hành tinh mới trong đó.
Borthakur giải thích: “Việc quan sát các thiên hà tương tự như nhìn qua cửa sổ máy bay vào ban đêm và thấy những ánh đèn thành phố sáng rực rỡ giữa một vùng trời tối. Còn việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu này giống như khám phá xem liệu có các trang trại và những tuyến đường cung ứng để hỗ trợ cho dân cư trong các thành phố vào ban đêm hay không”.

Để xác định nguồn gốc của luồng khí này, Borthakur đã sử dụng một phương pháp thống kê được gọi là tương quan chéo (để xác định mối quan hệ giữa 2 đại lượng) và dữ liệu từ 2 danh mục thiên văn học công khai đó là khảo sát ALFALFA (*) từ kính thiên văn Arecibo (Puerto Rico) và khảo sát về môi trường liên thiên hà có độ dịch chuyển đỏ thấp từ thiết bị COS (viết tắt của cụm từ Cosmic Origins Spectrograph) được lắp trên kính thiên văn Hubble. Với những dữ liệu đó, Borthakur có thể xác định được cách mà các thiên hà giàu khí liên kết với các đám mây được nhìn thấy trong môi trường liên thiên hà.

Borthakur cho biết: “Việc làm này cũng giống như bạn đang khám phá để tìm ra vị trí của các trạm xăng trong hình ảnh về một thành phố đầy ắp xe cộ.”
Với các bước kế tiếp thì Borthakur hy vọng rằng sẽ xác định được các con đường mà những đám mây khí này có thể vào được vùng trong của các thiên hà, nơi mà các sao được hình thành.

“Các thiên hà như thiên hà của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển bằng việc tạo ra thêm nhiều hệ mặt trời khi có vật chất mới đi vào,” bà cho biết. “Việc hiểu rõ nguồn nhiên liệu của các sao cho phép chúng tôi dự đoán được khả năng hình thành của các sao mới trong tương lai.”

Hồng Anh
Theo Phys.org

(*) ALFALFA là một khảo sát đang được thực hiện bên ngoài thiên hà ở môi trường chứa các hydro nguyên tử trung tính kết hợp với máy thăm dò ALFA (viết tắt của cụm từ Arecibo L-Band Feed Array - thiết bị dùng để phát hiện bức xạ vô tuyến ở tần số dải L, tức khoảng từ 1 tới 2 GHz) với mục tiêu tìm kiếm các thiên hà tối mà không thể nhìn thấy bằng kính thiên văn quang học hoặc những thiên hà chưa từng được biết tới.