Lõi của Sao Hỏa chiếm khoảng một nửa cấu trúc bên trong của hành tinh này – lớn hơn nhiều so với dự đoán trước đó của các nhà khoa học.
Như một quả đào thâm tím bị xẻ đôi để lộ một hạt khổng lồ màu vàng, Sao Hỏa chứa nhiều bí ẩn qua tấm bản đồ đầu tiên về cấu trúc bên trong của hành tinh này – một phần trong ba nghiên cứu mới được đăng trên Science.
Việc lần đầu tiên tận mắt chứng kiến cấu trúc bên trong của Sao Hỏa là thành quả của hai năm nghiên cứu (và nhiều thập kỷ lên kế hoạch) với thiết bị đổ bộ InSight của NASA – một robot được phóng lên Sao Hỏa vào năm 2018 với nhiệm vụ duy nhất là nghiên cứu phần sâu bên trong của hành tinh đỏ này.
Khoảng một tháng sau khi đáp xuống vùng đồng bằng rộng lớn Elysium Planitia, InSight đã sử dụng cánh tay robot để lắp đặt một máy đo địa chấn cực nhỏ trên bề mặt Sao Hỏa gần đó và bắt đầu lắng nghe những "marsquake" - những rung động địa chấn trên Sao Hỏa, tương tự như động đất trên Trái Đất.
Các nhà nghiên cứu của NASA đã viết trong một thông cáo: “Không như Trái Đất, Sao Hỏa không có các mảng kiến tạo; thay vào đó lớp vỏ của nó như một tấm mảng khổng lồ. Nhưng các đứt gãy hay các vết nứt đá vẫn hình thành trong lớp vỏ Sao Hỏa do áp lực sinh ra từ sự co lại nhẹ của hành tinh này khi nó tiếp tục nguội đi.”
Những vết nứt này có thể dẫn tới những rung động địa chấn – và trong hơn 2 năm qua, InSight đã phát hiện được 733 vết nứt trong số đó. Sử dụng dữ liệu về 35 trong số những trận động đất lớn nhất (mỗi trận có biên độ từ 3.0 đến 4.0 độ Richter), các nhà nghiên cứu của NASA đã tính toán tốc độ và quãng đường di chuyển của sóng địa chấn bên trong hành tinh này, từ đó cho phép họ lập bản đồ cấu trúc bên trong của nó.
Nhóm nghiên cứu thấy rằng, cũng như Trái Đất, cấu tạo Sao Hỏa cũng gồm ba lớp - lớp vỏ, lớp phủ và lõi – nhưng kích thước và thành phần của các lớp này khác nhau đáng kể giữa hai hành tinh này. Chẳng hạn, lớp vỏ Sao Hỏa mỏng hơn nhiều so với dự tính của các nhà nghiên cứu, nó chỉ sâu từ 12 đến 23 dặm (20-37 km) và chứa hai hoặc ba lớp trong (trong khi đó, lớp vỏ Trái Đất mở rộng tới độ sâu cực đại là khoảng 62 dặm (100 km), theo USGS).
Phía dưới lớp vỏ là một lớp phủ khá lớn, trải dài khoảng 969 dặm (1.560 km) dưới bề mặt của Sao Hỏa, tiếp theo là một lõi khổng lồ - trung tâm của hành tinh – có ranh giới khoảng từ nửa giữa bề mặt này. Lõi nóng chảy của Sao Hỏa – giống như lõi ngoài của Trái Đất – lớn hơn nhiều và lỏng hơn nhiều so với dự tính của các nhà nghiên cứu.
Bài giảng ngắn về Sao Hỏa của VACA
Theo các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn không biết liệu Sao Hỏa có một lõi trong rắn như Trái Đất hay không – tuy nhiên, việc đo đạc lõi ngoài của hành tinh này chỉ sau vài năm nghiên cứu đã là một thành tựu đáng kể.
Simon Stähler – tác giả dẫn đầu của một trong những bài nghiên cứu mới này đồng thời là giáo sư ngành khoa học Trái Đất tại đại học nghiên cứu Thụy Sĩ – ETH Zurich – đã nói trong bài tuyên bố: “Các nhà khoa học đã mất hàng trăm năm để đo được lõi của Trái Đất. Sau sứ mệnh Apollo, họ đã mất 40 năm để đo lõi của Mặt Trăng. InSight đã chỉ mất 2 năm để đo lõi của Sao Hỏa.”
Hồng Anh
Theo LiveScience