Lost Galaxy

Vào những năm 1950, khi nhà thiên văn nghiệp dư Leland S. Copeland lần đầu tiên hướng kính thiên văn của ông vào một thiên hà xa xôi ở chòm sao Virgo, ông đã thấy một vòng xoắn kỳ lạ được bao phủ bởi bụi. Copeland - vốn là một nhà thơ chuyên nghiệp thích viết về vũ trụ - đã gọi tên nó là "Thiên hà Lạc đường" (Lost Galaxy). Cái tên này vẫn còn được dùng tới nay, sau 70 năm.

Các nhà khoa học ít mơ mộng hơn thì biết tới thiên hà này dưới cái tên NGC 4535 - một trong số những thiên hà lớn nhất trong số ít nhất là 2000 thiên hà thuộc cụm thiên hà Virgo, cách Trái Đất khoảng 50 triệu năm ánh sáng. Khi nhìn qua kính thiên văn không gian Hubble (như hình ảnh trên), đám mờ bao phủ thiên hà Lạc đường của Copeland biến mất để lộ ra cả một biển sao rực rỡ không khác nhiều so với Milky Way.

Giống như thiên hà của chúng ta, thiên hà Lạc đường là một thiên hà xoắn dạng thanh - một vóng xoáy khổng lồ của sao với cấu trúc dạng thanh đặc trưng ở trung tâm của nó. Theo NASA, màu sắc của các ngôi sao đó có thẻ cho chúng ta biết phần nào về lịch sử của thiên hà.

Theo NASA, ánh sáng có sắc vàng của chỗ phình thiên hà cho thấy nhóm những ngôi sao già và lạnh nhất của nó. Trong khi đó, những đám mây sáng màu xanh da trời cụm lại với nhau trong những cánh tay xoắn nơi chứa những sao trẻ và nóng nhất, làm sáng lên khí và bụi quanh chúng.

Ngày nay, thiên hà Lạc đường không khó để quan sát được (nhất là với những đài quan sát như Hubble). Trên thực tế, những cánh tay trải dài của nó là ứng viên tuyệt vời để nghiên cứu về cấu trúc của các thiên hà xoắn. NASA đã công bố hình ảnh trên hôm 11 tháng 1 vừa qua dưới dạng một phần của khảo sát đang được thực hiện về 38 thiên hà xoắn nằm trong phạm vi 75 triệu năm ánh sáng tính từ Trái Đất. Bạn có thể thấy một số hình ảnh tuyệt đẹp về các thiên hà xoắn khác của khảo sát này bằng cách vào website của dự án:

R.T
Theo Live Science