Trump

Trong khi chúng ta vẫn đợi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Mỹ, với những người quan tâm tới việc chinh phục không gian, hãy thử nhìn lại xem trong nhiệm kỳ vừa qua, tổng thống Donald Trump đã làm gì đóng góp cho công cuộc này.

Kể từ sau thế chiến lần thứ hai, với sự góp phần của công nghệ tên lửa ngày càng phát triển - mà tiền đề chính là tên lửa V2 của Werner von Braun chế tạo trong thế chiến và được quân Đức sử dụng trong giai đoạn cuối của cuộc chiến này, cuộc đua không gian đã chính thức diễn ra với sự cạnh tranh của các cường quốc trong việc chiếm lĩnh khoảng không phía ngoài Trái Đất.

Cuối thế kỷ 20, khi chiến tranh lạnh kết thúc, người ta không còn nhắc tới khái niệm về cuộc đua không gian (space race) nữa. Tuy vậy, sự cạnh tranh của các cường quốc trong lĩnh vực này không phải như vậy mà dừng lại, nó chỉ khác nhau ở một điểm cơ bản là sự hợp tác và tương hỗ về công nghệ bắt đầu chặt chẽ hơn. Điều đó hiển nhiên là rất cần cho sự phát triển chung của khoa học và công nghệ.

Việc khám phá khoảng không phía ngoài Trái Đất không đơn thuần là cuộc chạy đua khẳng định vị thế hay củng cố thế mạnh địa chính trị của các cường quốc. Nó thực sự cần thiết để chúng ta khám phá ngày một chi tiết hơn về vũ trụ, cũng như tìm ra những giải pháp để khai thác không gian và bảo vệ chính hành tinh của chúng ta tốt hơn.

Mặc dù việc thám hiểm không gian ngày càng có sự tham gia của nhiều quốc gia, nhưng tới nay Mỹ vẫn là cường quốc đi đầu và mọi sự chú ý thường xuyên dồn vào NASA. Còn NASA thì không thể hoạt động nếu không có ngân sách và sự cho phép của chính phủ mà người ký quyết định là tổng thống. Vì vậy, tổng thống Mỹ trên thực tế, cho dù không phải nhà khoa học, luôn là một trong những người đóng vai trò quan trọng nhất trong hoạt động của NASA.

Chúng ta hãy điểm lại xem Trump đã có những chính sách nào đáng kể đối với NASA.

 

Trở lại Mặt Trăng

Con người đã không còn quay lại Mặt Trăng kể từ năm 1972. Từ năm 2005, cựu tổng thống George W. Bush đã tuyên bố Mỹ sẽ đưa người trở lại Mặt Trăng như một phần của dự án Constellation. Tuy nhiên, trong thời của cựu tổng thống Barack Obama, dự án này đã bị hủy bỏ vì cho rằng quá tốn kém và không cần thiết. Thay vào đó, Obama muốn NASA đưa người tới một tiểu hành tinh vào năm 2025 và sau đó sẽ tới Sao Hỏa vào khoảng giữa những năm 2030.

Khi Donald Trump lên nắm quyền, ông cho rằng việc trở lại Mặt Trăng là sáng suốt và đã yêu cầu NASA tái khởi động lại mục tiêu này. Ngân sách của chính phủ tài trợ cho NASA dưới thời Trump về cơ bản được giữ nguyên, không hề bị cắt giảm như một số lời đồn trước đó.

Năm 2019, chương trình Artemis của NASA chính thức ra đời với mục tiêu đưa "người phụ nữa đầu tiên và người đàn ông tiếp theo" tới Mặt Trăng.

Để phục vụ việc này, chính quyền của tổng thống Trump đã từng có nhiều cuộc họp với Elon Musk - ông chủ của SpaceX và Jeff Bezos - ông chủ của Amazon và Blue Origin. Kết quả của những cuộc họp đó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tên lửa vũ trụ nói chung và đặc biệt là sự tham gia của các tổ chức ngoài chính phủ vào việc thám hiểm không gian nói riêng. SpaceX và Blue Origin đều đã đạt được những thành tựu lớn và khá gần đây thì SpaceX đã được chọn trở thành đối tác của NASA trong việc trực tiếp đưa người vào không gian thông qua các tên lửa của họ - tiết kiệm được lượng chi phí cực kỳ lớn so với trước đó phải thuê của Nga.

Trên thực tế, việc đưa người lên Mặt Trăng không còn là để lập thành tích như cách đây nửa thế kỷ. Nó thực sự có ý nghĩa khi mà Mặt Trăng là thiên thể gần Trái Đất nhất. Nó là nơi cực kỳ khả thi để khai thác các khoáng chất quan trọng, xây dựng các cơ sở nghiên cứu và quan sát để mang lại nhiều thành tựu hơn cho khoa học và công nghệ tương lai. Trong khi đó, việc tới Sao Hỏa tỏ ra khó khăn hơn nhiều vì quãng đường quá xa đối với công nghệ ngày nay, việc xây dựng những cơ sở nghiên cứu tại đó nằm ở một tương lai xa hơn nhiều.

Minh họa dự kiến về việc đổ bộ và xây dựng cơ sở nghiên cứu của chương trình Artemis.

 

Sao Hỏa

Tất nhiên, không phải vì quan tâm tới Mặt Trăng mà chính quyền Trump bỏ qua Sao Hỏa. Năm 2019, tổng thống Trump tuyên bố rằng ông muốn NASA không thể chỉ tập trung vào Mặt Trăng mà cần hướng tới những mục tiêu lớn hơn - trong đó có Sao Hỏa, đồng thời cam kết sẽ tăng thêm ngân sách cho NASA để "trở lại không gian theo một CÁCH LỚN" (return to Space in a BIG WAY).

 

Bên cạnh những mục tiêu lớn được nhiều người quan tâm đó, những dự án và chương trình khác mà NASA đang thực hiện vẫn tiếp tục được duy trì. Mặt khác, vào năm ngoái, chính quyền Trump cũng đã chính thức thành lập Lực lượng không gian Hoa Kỳ (U.S. Space Force) - một lực lượng có mục tiêu bảo vệ tài sản thuộc quản lý quân sự của Mỹ ngoài không gian (hiển nhiên, nhiều người sẽ không thích việc ai đó tìm cách quân sự hóa không gian như vậy).

Hiển nhiên, cũng cần chú thích thêm rằng việc thám hiểm không gian là một bộ phận mang tính tương hỗ cho các nghiên cứu vũ trụ, còn bản thân nó hoàn toàn không phải nghiên cứu vũ trụ học.

Bryan