Betelgeuse

Theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi một nhóm quốc tế các nhà nghiên cứu, có thể cần đến 100.000 năm nữa cho đến khi sao khổng lồ đỏ Betelgeuse chết trong một vụ nổ rực lửa.

Theo nghiên cứu được dẫn đầu bởi tiến sĩ Meridith Joyce từ Đại học Quốc gia Úc (ANU), Betelgeuse không chỉ có thời hạn dài hơn, mà còn cho thấy nó vừa nhỏ vừa gần Trái Đất hơn chúng ta tưởng.

Tiến sĩ Joyce nói rằng, sao siêu khổng lồ này là một phần của chòm sao Orion, đã khiến các nhà khoa học mê mẩn từ lâu. Nhưng gần đây, nó hoạt động rất lạ.

Tiến sĩ Joyce cho biết: “Betelgeuse là một trong những sao sáng nhất trên bầu trời, nhưng chúng tôi đã quan sát thấy hai lần độ sáng của nó giảm kể từ cuối năm 2019.”

"Điều này thúc đẩy suy đoán rằng nó có thể sắp bùng nổ. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi đưa ra một lời giải thích khác.”

“Chúng tôi biết sự kiện giảm độ sáng lần đầu tiên liên quan đến một đám bụi vũ trụ. Chúng tôi đã tìm thấy sự kiện nhỏ hơn thứ hai là do xung phát ra của ngôi sao này.”

Các nhà nghiên cứu đã có thể sử dụng mô hình thuỷ động lực học và mô hình địa chấn để tìm hiểu thêm về các quá trình vật lý chi phối các xung này - đồng thời có ý tưởng rõ ràng hơn về việc Betelgeuse đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời của nó.

Theo một đồng tác giả bài báo, tiến sĩ Shing-Chi Leung từ Đại học Tokyo, phân tích “xác nhận rằng sóng áp suất - về cơ bản là sóng âm - là nguyên nhân gây ra các xung của Betelgeuse.”

Tiến sĩ Joyce nói: “Nó đang đốt chát heli ngay bên trong lõi ở thời điểm hiện tại, điều này có nghĩa là nó còn xa lúc phát nổ.”

“Có lẽ chúng ta đang nhìn nó vào thời điểm khoảng 100.000 năm trước khi vụ nổ xảy ra.”

 

Đọc tham khảo thêm bài: "Sao: cấu tạo và tiến hóa".

 

Đồng tác giả, tiến sĩ László từ Đài quan sát Konkoly tại Budapest cho biết, nghiên cứu này đồng thời cũng tiết lộ kích thước của Betelgeuse và khoảng cách giữa nó và Trái Đất.

“Kích thước vật lý thực tế của Betelgeuse vẫn còn là một điều bí ẩn - những nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng nó có thể lớn hơn quỹ đạo của Sao Mộc. Kết quả của chúng tôi lại chỉ ra rằng Betelgeuse chỉ mở rộng ra 2/3 kích thước đó, với bán kính gấp 750 lần bán kính của Mặt Trời.” Molnár nói.

“Một khi chúng tôi có kích thước vật lý của ngôi sao này, chúng tôi có khả năng xác định được khoảng cách nó với Trái Đất. Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng nó chỉ cách chúng ta hơn 530 năm ánh sáng - gần hơn 25% so với tính toán trước đây."

Tin tốt là Betelgeuse vẫn còn quá xa Trái Đất để vụ nổ cuối cùng có tác động đáng kể lên chúng ta.

“Vẫn luôn có một vấn đề lớn khi một supernova phát nổ. Và nó là ứng cử viên gần nhất của chúng ta. Nó cho chúng tôi một cơ hội hiếm có để nghiên cứu những gì xảy ra với các sao như thế này trước khi chúng phát nổ.” Tiến sĩ Joyce nói.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Vật lý và Toán học Vũ trụ Kavli (WPI), Đại học Tokyo, và được hỗ trợ bởi chương trình Khách thăm quan của ANU. Nghiên cứu có sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ, Hungary, Hồng Kông và Vương quốc Anh, cũng như Úc và Nhật Bản.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí The Astrophyical Journal

Chung Nguyen
Theo Phys.org