Một lỗ đen trong thiên hà không xa Trái Đất đã nuốt chửng một ngôi sao giống như ăn một sợi mì khổng lồ, và các nhà thiên văn học đã có đủ điều kiện để chứng kiến sự kiện.
"Ngôi sao không may" này đang quay xung quanh vùng lõi dày đặc của một thiên hà với cái tên khá dài dòng là 2MASX J04463790-1013349, nằm cách chúng ta khoảng 214 triệu năm ánh sáng. Nó đã đi lang thang quá gần lỗ đen siêu nặng ở trung tâm của thiên hà, và lỗ đen đó đã kéo căng nó ra như một sợi mì spaghetti và nuốt chửng nó - một hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là sự spaghetti hóa (hay trong tiếng Việt, bạn cũng có thể gọi là sự "kéo mì"). Ánh sáng từ việc ngôi sao này bị nuốt lấy đã đến Trái Đất vào năm 2019. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những sự kiện như thế này trước đây, nhưng chưa bao giờ diễn ra nhanh và gần như sự kiện lần này. Lỗ đen này đã ăn tối bằng món mì plasma ở cách Trái Đất chỉ 214 triệu năm ánh sáng.
Matt Nicholl, nhà vật lý thiên văn của Đại học Birmingham và là tác giả chính của bài báo, cho biết trong một tuyên bố: "Ý tưởng về một lỗ đen ‘hút vào’ một ngôi sao gần đó nghe giống như khoa học viễn tưởng. Nhưng đây chính xác là những gì xảy ra trong một sự kiện gián đoạn triều". Bài báo đã được xuất bản vào ngày 12 tháng 10 trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society (Thông báo hàng tháng của Hội thiên văn học Hoàng gia - Anh).
Sự kéo mì xảy ra do lực hấp dẫn tăng mạnh khi bạn tiếp cận một lỗ đen lớn. Nếu bạn thả chân xuống lỗ đen, tại một thời điểm nào đó, lực hấp dẫn tác động lên bàn chân của bạn sẽ mạnh hơn nhiều so với hấp dẫn phía trên đầu. Nó sẽ kéo dài bạn cho đến khi tất cả da, xương và ruột của bạn trông giống như một sợi dây dài (hoặc một sợi mì thực sự).
Điều tương tự cũng xảy ra với các ngôi sao khi chúng lao vào các lỗ đen siêu nặng có khối lượng có thể gấp hàng triệu lần khối lượng của chúng. Các nhà thiên văn học chưa bao giờ thực sự theo dõi quá trình kéo dài ban đầu đó, nhưng sự kiện lần này chính là quá trình gần nhất mà họ có được. Các kính thiên văn trường rộng đã phát hiện được một tia sáng lóe lên từ sự kiện gián đoạn triều.
Khi một ngôi sao bị xé toạc, một số bộ phận bên trong của nó kết thúc trong đĩa vật chất xoáy xung quanh lỗ đen và tỏa sáng rực rỡ trước khi chúng bị nuốt chửng. Đồng thời, các đám mây bụi và các vật chất khác bị thổi tung ra ngoài không gian, che khuất các vùng của lỗ đen khỏi tầm nhìn của chúng ta. Ngay sau tia sáng đầu tiên, các kính thiên văn trên khắp thế giới đã liên tục theo dõi quá trình này.
Đồng tác giả của nghiên cứu là Kate Alexander, một nhà vật lý thiên văn của Đại học Northwestern, cho biết: "Bởi vì chúng tôi đã bắt gặp nó sớm, chúng tôi thực sự có thể nhìn thấy tấm màn của bụi và những mảnh vụn bị kéo ra khi lỗ đen ném vào không gian một dòng vật chất với vận tốc lên tới 10.000 km/s. Việc 'nhìn lén sau bức màn' độc đáo này đã mang lại cơ hội đầu tiên để xác định nguồn gốc của vật chất che phủ và trực tiếp theo dõi cách mà nó che lấp lỗ đen".
Trong suốt sáu tháng, các nhà nghiên cứu đã theo dõi dòng vật chất được ném vào không gian và sau đó quan sát sự gián đoạn triều mờ dần. Các nhà thiên văn cũng lần đầu tiên xác nhận mối liên hệ trực tiếp giữa chớp sáng thu được và vật chất được ném ra.
Nicholl cho biết: “Ngôi sao có khối lượng tương đương với Mặt Trời của chúng ta, và… nó đã mất nửa chỗ đó cho lỗ đen quái vật nặng hơn nó một triệu lần”.
Các nhà nghiên cứu đặt tên cho sự kiện này là AT 2019qiz, sự kiện đã giúp họ mở khóa bí mật về các sự kiện gián đoạn triều khó hiểu hơn xung quanh các lỗ đen khác, và hiểu về cách mà hấp dẫn cực lớn của các lỗ đen bẻ cong vật chất của không gian xung quanh chúng.
Minh Phương
Theo Live Science
Độc giả nên tham khảo thêm: