sunspot

Nghiên cứu mới cho thấy các vết đen và các vùng hoạt động khác của Mặt Trời có thể làm thay đổi tổng lượng phát xạ của nó. Các vết đen làm cho một số bức xạ mờ đi và một số khác sáng lên; thời điểm của những thay đổi cũng khác nhau giữa các loại bức xạ khác nhau. Kiến thức này sẽ giúp các nhà thiên văn học mô tả đặc điểm của các ngôi sao, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm kiếm các ngoại hành tinh xung quanh các ngôi sao đó.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế do Shin Toriumi đứng đầu tại Cơ quan Hàng không thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JAXA), đã bổ sung thêm các phát xạ khác nhau được quan sát bởi một nhóm các vệ tinh bao gồm "Hinode" và "Solar Dynamics Observatory" để xem Mặt Trời trông như thế nào nếu được quan sát từ xa, chuyển động như một chấm sáng đơn lẻ giống như những ngôi sao khác.

Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu cách mà những yếu tố như vết đen làm thay đổi bức tranh tổng thể. Họ phát hiện ra rằng khi có một vết đen ở gần giữa phần bề mặt Mặt Trời đối diện với chúng ta, nó làm cho tổng lượng ánh sáng nhìn thấy bị mờ đi. Ngược lại, khi các vết đen ở gần rìa, toàn bộ ánh sáng nhìn thấy sẽ sáng hơn. Bởi vì ở góc nhìn đó, các cấu trúc sáng của Mặt Trời xung quanh vết đen có thể được nhìn thấy rõ hơn các tâm tối.

Ngoài ra, tia X được tạo ra trong quầng lửa phía trên bề mặt Mặt Trời cũng trở nên sáng hơn khi có vết đen. Các quầng lửa mở rộng phía trên vết đen được làm nóng bởi từ tính, do đó, sự sáng này xuất hiện trước khi vết đen di chuyển khỏi tầm nhìn và vẫn tồn tại ngay cả sau khi vết đen đã chạy khỏi tầm nhìn của chúng ta.

Vì những thay đổi trong tổng lượng phát xạ Mặt Trời và thời điểm của chúng mang thông tin về vị trí và cấu trúc của các đặc điểm trên bề mặt Mặt Trời, các nhà thiên văn hy vọng có thể suy ra các đặc điểm bề mặt của các ngôi sao khác. Điều này sẽ giúp các nhà thiên văn học nhận biết rõ hơn hiện tượng mờ do bóng của một hành tinh gây ra (sự quá cảnh). Với kiến thức tốt hơn về ảnh hưởng của các vết đen ở các sao, chúng ta có thể ước tính chính xác hơn các thông số, chẳng hạn như bán kính và quỹ đạo của các ngoại hành tinh.

Khi các cuộc nghiên cứu chuyên sâu về Mặt Trời được tiến hành, người ta sẽ hiểu rõ hơn về cơ chế chi tiết của sự nóng lên của khí quyển và các vụ phun trào bùng phát của nó. Toriumi nhận xét: "Về mục tiêu này, vệ tinh quan sát Mặt Trời thế hệ tiếp theo Solar-C (EUVST) do Nhật Bản hợp tác chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ và châu Âu phát triển, sẽ nhắm tới việc quan sát bức xạ từ Mặt Trời và thăm dò sắc cầu, vùng chuyển tiếp và nhật hoa như một hệ duy nhất".

Minh Phương
Theo Science Daily