V Sagittae

Một cặp sao tên là V Sagittae đang chuyển động xoắn vào nhau và vụ bùng nổ vào thời điểm kết thúc của chúng sẽ sáng tới mức chúng ta có thể quan sát được vào cuối thế kỷ này.

Vào cuối thế kỷ 21, những người thích ngắm sao có thể chứng kiến một "ngôi sao mới" xuất hiện trong chòm sao Sagitta (Mũi tên). Nằm ở khoảng cách 7.800 năm ánh sáng, hai ngôi sao này là một cặp được gọi chung là V Sagittae. Chúng đang chuyển động xoắn dần về phía nhau.Trong quá trình này, ngôi sao lớn hơn tuôn vật chất sang đồng hành của nó là một sao lùn trắng. Cuối cùng, hai ngôi sao này sẽ va chạm và hợp nhất, gây ra một vụ nổ lớn mà các nhà thiên văn học ước tính rằng sẽ khiến V Sagittae trở thành ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm trong khoảng 1 tháng.

Nhờ tham khảo dữ liệu quan sát của hơn 1 thế kỷ qua, các nhà thiên văn học xác định được rằng hai sao của V Sagittae đã và đang chuyển động xoáy vào nhau với vận tốc tăng dần. Hiện tại, chúng chỉ mất 12 giờ để hoàn thành một vòng quay quanh nhau. Càng ngày, chúng sẽ càng nhanh hơn và khi tiến tới gần, chúng cũng trở nên sáng hơn. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng vào khoảng năm 2083 (dao động trước và sau khoảng 16 năm), hai sao sẽ hoàn toàn hợp nhất.

 

Một hệ bất thường

Cặp sao kép V Sagittae được các nhà thiên văn học xếp vào nhóm sao biến quang thảm họa (cataclysmic variable - hàm ý rằng sự biến đổi độ sáng sinh ra từ một sự kiện có tính thảm họa đối với ngôi sao). Một sao lùn trắng và sao đồng hành của nó chuyển động theo quỹ đạo xoắn quanh nhau, sao lùn trắng hút lấy hydro từ các lớp ngoài của sao đồng hành. Khi hydro được tuôn sang tới bề mặt của sao lùn trắng, hấp dẫn cực mạnh trên bề mặt đó khiến nó xuất hiện phản ứng nhiệt hạch làm tăng độ sáng của hệ.

"V Sagittae là một trong những sao biến quang thảm họa đặc biệt nhất," nhà thiên văn Bradley Schaefer ở Đại học bang Louisiana (Mỹ) cho biết.

Trong hầu hết các hệ biến quang dạng này, sao đồng hành có khối lượng tương đương sao lùn trắng hoặc nhẹ hơn. Nhưng V Sagittae là một ngoại lệ. Sao đồng hành có khối lượng gấp khoảng 4 lần sao lùn trắng. Điều này khiến cho V Sagittae phát sáng gấp khoảng 100 lần so với những hệ biến quang thảm họa khác. Tỷ lệ khối lượng đặc biệt này khiến hệ sao ném vào không gian một lượng lớn vật chất từ bề mặt của hai ngôi sao, một hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là gió sao.

Đọc tham khảo thêm bài: Nova và supernova.

 

Một ngôi sao mới năm 2083

Schaefer cùng các đồng nghiệp của ông đã theo dõi hệ sao khác thường này bằng cách đào sâu vào dữ liệu quan sát từ năm 1890, cũng như sử dụng những quan sát hiện đại hơn. Họ thấy rằng V Sagittae đã sáng lên rất nhanh qua nhiều thập kỷ. Dựa trên khối lượng của các sao, sự thay đổi tính chất quỹ đạo và độ sáng, các nhà nghiên cứu kết luận rằng cặp sao này sẽ sáp nhập và gây ra một cuộc bùng sáng mà họ gọi là "vụ nổ sáp nhập".

Tính toán của họ gợi ý rằng vụ sáp nhập sẽ diễn ra vào khoảng năm 2083, hoặc có thể dao động trong bán kính 16 năm (tức là từ 2067 đến 2099). Với việc thực hiện thêm các phép đo về sự thay đổi độ sáng, họ sẽ sớm có được dự đoán chính xác hơn về khoảng thời gian sự kiện này diễn ra.

Có lẽ một số người trong chúng ta sẽ còn sống để một ngày sẽ thấy một ngôi sao mới rực sáng ở ngay nơi mũi tên của chòm sao Sagitta chỉ tới.

R.T
Theo Astronomy