Kể từ khám phá về ngoại hành tinh đầu tiên trong những năm 1990, các nhà thiên văn học đã nỗ lực không ngừng để tìm kiếm và thăm dò các hành tinh nằm trong vùng sống được của các ngôi sao, nơi mà các điều kiện có thể dẫn tới sự hình thành nước lỏng và có thể phát sinh sự sống.
Những kết quả có được từ nhiệm vụ Kepler - nhiệm vụ đã tìm ra 2/3 tổng số ngoại hành tinh đã biết cho tới nay - cho thấy khoảng từ 5 đến 20% những hành tinh dạng Trái Đất và siêu-Trái Đất có vị trí nằm trong vùng sống được của các ngôi sao. Tuy nhiên, mặc dù nhiều như vậy, việc khảo sát những điều kiện và đặc điểm khí quyển của những hành tinh trong vùng sống được này là cực khó và vẫn còn chưa được nắm rõ cho tới tận gần đây.
Một nghiên cứu mới do giáo sư Björn Benneke ở Viện nghiên cứu ngoại hành tinh của Đại học Montréal (Canada) cùng nghiên cứu sinh tiến sĩ của ông là Caroline Piaulet và một số đồng nghiệp nữa đã báo cáo về việc phát hiện ra hơi nước và có lẽ cả những đám mây chứa nước lỏng trong khí quyển của hành tinh K2-18b. Ngoại hành tinh này có khối lượng khoảng 9 lần Trái Đất và nằm trong vùng sống được của ngôi sao mà nó đang chuyển động quanh - một sao lùn loại M nhỏ hơn và lạnh hơn Mặt Trời. Mặc dù vậy, nhờ có quỹ đạo khá gần ngôi sao, hành tinh này vẫn nhận được tổng năng lượng tới từ nó gần như tương đương với năng lượng mà Trái Đất nhận từ Mặt Trời.
Sự tương đồng giữa ngoại hành tinh K2-18b và Trái Đất gợi ý cho các nhà thiên văn học rằng ngoại hành tinh này có tiềm năng có một chu trình nước mà ở đó có thể nước được cô đặc trong các đám mây và nước lỏng theo mưa rơi xuống bề mặt. Phát hiện này có được nhờ kết hợp 8 lần quan sát quá cảnh của hành tinh - thời điểm khi một ngoại hành tinh đi qua phía trước ngôi sao của nó - do kính thiên văn không gian Hubble thực hiện.
Sự tồn tại của K2-18b đã được xác nhận từ năm 2016 bởi chính Bennieke và nhóm của ông qua việc sử dụng dữ liệu từ kính thiên văn không gian Spitzer. Khối lượng và bán kính của hành tinh này sau đó đã được xác định bởi Ryan Cloutier - một nhà khoa học từng làm nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Montréal và Đạo học Toronto. Những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn này đã khuyến khích nhóm nghiên cứu tiếp tục thu thập các quan sát về thế giới thú vị này.
Các nhà khoa học hiện tin rằng lớp khí bao phủ bên ngoài K2-18b có thể ngăn cản sự sống trên bề mặt của hành tinh. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy ngay cả những hành tinh có khối lượng tương đối thấp - vốn rất khó để nghiên cứu - có thể được theo dõi nhờ các thiết bị được phát triển trong những năm gần đây. Bằng cách nghiên cứu những hành tinh trong vùng sống được của các sao và xác định những điều kiện chính xác để có nước lỏng, các nhà thiên văn học đã tiến một bước gần hơn tới việc xác định trực tiếp sự sống ở bên ngoài Hệ Mặt Trời của chúng ta.
R.T
Theo Science Daily