Từ lực có thể là lý do giải thích tại sao lỗ đen siêu nặng ở trung tâm của Milky Way yên tĩnh hơn nhiều so với các lỗ đen tương tự trong thiên hà khác.
Các quan sát mới nhất, được thực hiện bởi nhiệm vụ SOFIA của NASA, đã tiết lộ thông tin chưa từng có về các đường sức từ rất mạnh ở trung tâm thiên hà.
Lỗ đen trung tâm của Milky Way, được gọi với cái tên Sagittarius A*, có lực hấp dẫn mạnh mẽ và thống trị vùng trung tâm của thiên hà. Thông thường, khi vật chất rơi vào lỗ đen, những gã khổng lồ tối tăm này sẽ phát ra bức xạ cường độ cao chứng tỏ sự hiện diện của chúng. Tuy nhiên, so với các lỗ đen đã được biết tới trong các thiên hà khác, 'trái tim' của Milky Way lại tương đối yên tĩnh, nó phát ra bức xạ ít hơn nhiều dự kiến. Hiểu được cách mà các lỗ đen tương tác với chính từ trường của chúng giúp các nhà khoa học hiểu được sự khác biệt giữa lỗ đen hoạt động và lỗ đen yêu tĩnh.
Từ trường là vô hình, cho dù chúng tồn tại quanh nam châm tủ lạnh hay một lỗ đen. Để nghiêm cứu được từ trường của Sagittarius A*, các nhà nghiên cứu đã dựa vào SOFIA - một chiếc máy bay Boeing 747SP được cải tạo. Cụ thể là họ đã sử dụng thiết bị mới nhất cho SOFIA là camera trên không có độ phân giải cao (HAWC+) để theo dõi ánh sánh hồng ngoại phân cực phát ra từ các hạt bụi.
Do các hạt bụi sắp xếp dọc theo với từ trường, các nhà thiên văn học có thể lập bản đồ hình dạng và tính ra cường độ từ trường quanh lỗ đen. Việc kết hợp bản đồ mới với hình ảnh chụp ở dải hồng ngoại giữa và xa của Sagittaius A* đã tiết lộ hướng của từ trường.
Các nhà nghiên cứu cho biết rằng, trong khi nhiều vật chất từ vòng khí và bụi xung quanh rơi vào lỗ đen, từ trường lại đẩy chúng ra xa khỏi gã khổng lồ đói khát này.
Trong một tuyên bố, nhà điều tra chính của HAWC+, Darren Dowell thuộc Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở Pasadena, California cho biết:
“Hình dạng xoắn ốc của từ trường đã dẫn khí vào quỹ đạo quanh lỗ đen. Điều này có thể giải thích tại sao lỗ đen của chúng ta yên tĩnh, trong khi ở những thiên hà khác lại hoạt động”.
Sagittarius A* là lỗ đen siêu nặng gần Mặt Trời nhất, do đó nó cung cấp một cơ hội tốt để tìm hiểu cách thức những gã khổng lồ bí ẩn này hoạt động.
Joan Schmelz, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở California, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Đây là một trong những trường hợp đầu tiên mà chúng ta có thể thực sự thấy từ trường và vật chất liên sao tương tác với nhau như thế nào. HAWC+ là một thứ đã thay đổi trò chơi".
Kết quả của nghiên cứu đã được trình bày tại cuộc họp giữa năm lần thứ 234 của Hiệp hội Thiên văn học Hoa Kỳ, được tổ chức vào tuần trước tại St. Louis.
Đắc Cường
Theo Space