Hot Jupiter

KELT-9 b là ngoại hành tinh nóng nhất đã biết. Mùa hè năm 2018, một nhóm các nhà thiên văn học từ các trường đại học Bern và Geneva đã tìm thấy dấu hiệu của sắt và titan dạng khí trong khí quyển của nó. Hiện nay, các nhà nghiên cứu này cũng đã phát hiện được dấu vết của natri, magie, crom và các kim loại hiếm khác trên Trái Đất như scandium và yttrium.

Ngoại hành tinh là các hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời, có quỹ đạo quanh các ngôi sao khác. Kể từ khi những ngoại hành tinh đầu tiên được phát hiện vào giữa những năm 1990, tới nay đã có hơn 3.000 ngoại hành tinh được xác định. Nhiều hành tinh trong số này rất đặc biệt khi so sánh với các hành tinh trong Hệ Mặt Trời của chúng ta: các hành tinh khí khổng lồ có quỹ đạo rất gần ngôi sao của chúng, với chu kỳ có thể chỉ vài ngày.

Những hành tinh như vậy không tồn tại trong Hệ Mặt Trời, và sự tồn tại của chúng đã thách thức những dự đoán về sự hình thành hành tinh. Trong hơn 20 năm qua, các nhà thiên văn học từ khắp thế giới đã nghiên cứu để hiểu được nguồn gốc, cấu tạo và đặc điểm khí hậu của các hành tinh này.

 

Một hành tinh khí khổng lồ cực nóng

KELT-9 là một ngôi sao nằm cách Trái Đất khoảng 650 ánh sáng, ở khu vực của chòm sao Cygnus (Thiên Nga). KELT-9 b là một hành tinh của sao này và là một ví dụ điển hình nhất của cái mà các nhà thiên văn gọi là "Sao Mộc nóng" bởi nó có quỹ đạo rất gần sao mẹ - một sao có nóng gấp đôi Mặt Trời. Vì thế, khí quyển của nó đạt tới nhiệt độ 4.000 độ C.

Với nhiệt độ đó, hầu như mọi nguyên tố để hoàn toàn hóa hơi và các phân tử bị phá vỡ ra thành các nguyên tử cấu thành chúng - giống với trường hợp của các lớp ngoài cùng của các sao. Điều này có nghĩa là khí quyển của nó không hề có mây hoặc sương mù, một bầu trời hoàn toàn trong suốt với ánh sáng tới từ sao mẹ.

Các nguyên tử tạo thành khí quyển của hành tinh hấp thụ ánh sáng ở những màu sắc tương ứng với quang phổ nhất định, và mỗi nguyên tử có một đặc trưng riêng của các màu mà nó hấp thụ. Đặc trưng này có thể đo được qua các máy quang phổ cực nhạy gắn trên các kính thiên văn lớn, cho phép các nhà thiên văn học phân biệt thành phần hóa học của khí quyển các hành tinh cách chúng ta nhiều năm ánh sáng.

 

Ngoại hành tinh này là một kho báu

Một nhóm nghiên cứu từ hai đại học Bern và Geneva đã kết hợp cùng nhau để nghiên cứu và có được khám phá đáng chú ý này. Họ đã quan sát hệ KELT-9 lần thứ hai vào hè năm ngoái với mục đích xác nhận các phát hiện trước đó, đồng thời qua đó tìm kiếm thêm các nguyên tố có thể có mặt trong dữ liệu. Khảo sát của họ bao gồm 73 loại nguyên tử, một số trong đó là những kim loại hiếm trên Trái Đất. Những kim loại hiếm này ít gặp ở Trái Đất, thường được sử dụng trong những thiết bị và vật liệu hiện đại.

Jens Hoeijmakers - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: "Nhóm của chúng tôi đã dự đoán rằng quang phổ của hành tinh này có thể là cả một kho báu nơi mà có vô số thứ ở đây chưa từng được quan sát trong khí quyển của bất cứ hành tinh nào trước đây."

Sau khi phân tích cẩn thận, các nhà nghiên cứu đã thực sự phát hiện được dấu hiệu mạnh mẽ của dạng khí của natri, magie, crom và hai kim loại hiếm trên Trái Đất là scandium và yttrium trong quang phổ của hành tinh này. Ba nguyên tố được nhắc tới sau trong danh sách này trước đây chưa từng được phát hiện trong khí quyển của bất cứ ngoại hành tinh nào.

"Với các quan sát sâu hơn, nhiều nguyên tố khác có thể được khám phá bằng kỹ thuật tương tự ở khí quyển của hành tinh này trong tương lai, và có lẽ cả ở các hành tinh khác cũng được làm nóng tới nhiệt độ tương tự," Hoeijmakers giải thích.

Theo các nhà khoa học, kỹ thuật được sử dụng trong nghiên cứu này cũng có thể sẽ giúp khám phá ra dấu hiệu của sự sống trên một ngoại hành tinh nào đó. Đồng thời, những nghiên cứu này cũng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc và sự phát triển của Hệ Mặt Trời, cũng như nguồn gốc của sự sống.

Bryan
Theo Space Daily