Hơn 4000 ngoại hành tinh đã được phát hiện kể từ khi đối tượng đầu tiên được phát hiện vào năm 1995, nhưng phần lớn chúng đều có chu kỳ quỹ đạo tương đối ngắn quanh các ngôi sao. Vì vậy, để xác nhận sự có mặt của một hành tinh, chúng ta cần phải đợi đến khi nó hoàn thành một hoặc nhiều vòng quanh ngôi sao của nó. Điều này có thể mất từ vài ngày đối với các hành tinh nằm gần ngôi sao đến hàng thập kỷ với những hành tinh xa hơn: ví dụ như Sao Mộc cần 11 năm để hoàn thành một vòng quanh Mặt Trời. Chỉ một kính thiên văn được dùng để tìm kiếm ngoại hành tinh có thể thực hiện những phép đo như vậy trong một khoảng thời gian dài, đó là kính thiên văn EULER của trường đại học Geneva (UNIGE), Thụy Sĩ, đặt tại Đài thiên văn Silla ở Chile. Các hành tinh với chu kỳ quỹ đạo dài này là mối quan tâm đặc biệt đối với các nhà thiên văn vì chúng nằm trong số những đối tượng ít được biết đến nhưng không thể phủ nhận vai trò của chúng trong việc giải thích sự hình thành và tiến hóa của các hành tinh. Theo một bài báo được đăng trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.
“Phải mất đến 20 năm với sự tham gia của rất nhiều nhà quan sát”, Emily Rickman, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu ở Ban Thiên văn học thuộc Khoa Khoa học của UNIGE cho biết. “Kết quả này không có được nếu không có sự sẵn sàng và độ tin cậy cao của máy quang phổ CORALIE được cài đặt trên kính thiên văn EULER, một thiết bị độc nhất trên thế giới”. Kể từ năm 1995 khi phát hiện ngoại hành tinh đầu tiên, đã có khoảng 4000 hành tinh khác được phát hiện. Phần lớn chúng là những hành tinh nặng nằm gần với ngôi sao của chúng, rất dễ phát hiện dựa trên công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, các hành tinh với chu kỳ dài là đối tượng rất được các nhà thiên văn quan tâm. Vì nằm xa so với sao chủ, chúng có thể được phát hiện bằng cách sử dụng các kĩ thuật chụp ảnh trực tiếp (là kỹ thuật chụp ảnh ngoại hành tinh trực tiếp trong bước sóng hồng ngoại, bởi vì trong bước sóng này chênh lệch độ sáng của ngôi sao với hành tinh nhỏ hơn so với sự chênh lệch trong bước sóng nhìn thấy). Cho đến nay, hầu hết tất cả các hành tinh được phát hiện đều sử dụng hai phương pháp gián tiếp chính là: vận tốc xuyên tâm (đo ảnh hưởng của hấp dẫn hành tinh lên ngôi sao) và quá cảnh (phát hiện sự che khuất nhỏ gây ra bởi hành tinh khi nó đi qua phía trước ngôi sao).
Các hành tinh được quan sát trực tiếp
EULER là kính thiên văn hoàn toàn thuộc quản lý của Khoa Thiên văn học ở UNIGE và được sử dụng với mục đính chính là nghiên cứu các ngoại hành tinh. Từ khi được vận hành vào năm 1998 nó đã được trang bị máy quang phổ CORALIE cho phép đo vận tốc xuyên tâm với độ chính xác vài mét trên giây, cho phép phát hiện các hành tinh có khối lượng nhỏ tương đương Sao Hải Vương. “Ngay từ năm 1998, một chương trình theo dõi hành tinh đã được tiến hành và thực hiện rất nghiên ngặt bởi nhiều nhà quan sát của UNIGE lần lượt hai tuần một lần ở La Silla trong 20 năm”, Emily Rickman cho biết. Kết quả rất ấn tượng: năm hành tinh mới đã được phát hiện và quỹ đạo của 4 hành tinh trong số đó được xác định chính xác. Tất cả các hành tinh này đều có chu kỳ quỹ đạo nằm trong khoảng 15,6 đến 40,4 năm, với khối lượng xấp xỉ từ 3 đến 27 lần khối lượng Sao Mộc. Nghiên cứu này đóng góp vào danh sách 26 hành tinh với chu kỳ dài hơn 15 năm, “nhưng trên hết, nó cũng cấp cho chúng ta những mục tiêu mới trong việc chụp ảnh trực tiếp!”, nhà nghiên cứu từ Geneva kết luận.
Gia Linh
Theo Science Daily