Thứ trông giống như một chú bướm màu đỏ trong không gian này thực ra là một vườn ươm của hàng trăm ngôi sao sơ sinh, được chụp ở dải sóng hồng ngoại bởi kính thiên văn không gian Spitzer của NASA.
Vườn ươm sao này là một tinh vân - một đám mây khí và bụi khổng lồ trong không gian nơi có thể hình thành các sao. Tên gọi chính thức của nó là Westerhout 40 (W40). Đôi cánh bướm khổng lồ mà bạn thấy là những bong bóng chứa khí liên sao nóng được thổi ra từ những sao nóng và nặng nhất trong khu vực này.
Ngoài vẻ đẹp đầy ấn tượng của nó, W40 còn mô tả cho chúng ta thấy cách mà các sao hình thành do kết quả sự sụp đổ của các đám mây khí và bụi. Bên trong những đám mây khí và bụi khổng lồ trong không gian, lực hấp dẫn kéo vật chất lại với nhau tạo thành những đám đậm đặc. Đôi khi những đám này đạt tới mật độ tới hạn để cho phép các sao hình thành trong lõi của nó.
Bức xạ và gió tới từ các sao lớn nhất trong những đám mây đôi khi tạo thành những bong bóng giống như của W40. Nhưng những quá trình này cũng làm phân tán khí và bụi, phá vỡ các đám đậm đặc và làm giảm hoặc tạm dừng sự hình thành sao mới.
Vật chất tạo thành đôi cánh của W40 đã được ném ra từ một cụm sao dày đặc nằm giữa đôi cánh trong bức hình. Ngôi sao nặng và nóng nhất cụm là W40 IRS 1a, nó nằm ở trung tâm của cụm sao.
W40 nằm cách Mặt Trời của chúng ta khoảng 1.400 năm ánh sáng, tương đương với khoảng cách của tinh vân Orion nổi tiếng, mặc dù chúng cách nhau tới gần 180 độ khi nhìn từ Trái Đất. Chúng là hai trong số những vùng gần nhấy mà ở đó các sao nặng - với khối lượng có thể tới 10 lần Mặt Trời - đã được quan sát trong giai đoạn đang hình thành.
Một cụm sao khác có tên là Serpens South (Nam Serpens) có thể được nhìn thấy ở phía trên bên phải của W40 trong bức hình này. Cả Serpens South và cụm sao ở trung tâm của W40 đều còn trẻ trong thang đo của thiên văn học (chưa tới vài triệu tuổi), trong đó Serpens South trẻ hơn. Các sao của nó vẫn còn nằm trong đám mây ban đầu những một lúc nào đó sẽ đẩy khí ra tạo thành bong bóng giống như W40. Spitzer cũng đã ghi hình và dựng được hình ảnh chi tiết hơn về cụm sao này.
Hình ảnh này về tinh vân W40 ban đầu được công bố như một phần của khảo sát có tên là Nghiên cứu các cụm sao trẻ lớn ở bước sóng hồng ngoại và tia X - viết tắt là MYStIX.
Bức ảnh của Spitzer chúng ta có ở đây là sự kết hợp của 4 hình ảnh chụp bởi máy ảnh tổ hợp hồng ngoại (IRAC) của Spitzer. 4 bức ảnh này được chụp lần lượt ở 4 bước sóng là 3,6; 4,5; 5,8 và 8,0 micron (được hiện thị lần lượt bởi các màu xanh lam, xanh lục, cam và đỏ).
Các phân tử hữu cơ được tạo thành từ carbon và hydro được gọi là hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs) bị kích thích bởi bức xạ liên sao và phát quang ở bước sóng gần 8,0 micron, tạo ra màu đỏ cho tinh vân. Trong khi đó, các sao sáng hơn với bước sóng ngắn hơn, tương ứng với màu xanh. Một số sao trẻ nhất được bảo quanh bởi đĩa vật chất phát ra ánh sáng vàng và đỏ.
Bryan
Theo JPL/NASA