Các nhà khoa học thuộc Cụm nghiên cứu tiên phong RIKEN (Nhật Bản), Đại học công nghệ Chalmers (Thụy Điển) và Đại học Virginia (Mỹ) cùng các cộng sự đã quan sát một đám mây phân tử đang suy sập để tạo thành hai tiền sao lớn mà cuối cùng sẽ trở thành một cặp sao kép.
Mặc dù từ lâu các nhà khoa học đã biết rằng hầu hết các sao nặng đều có đồng hành của nó, nhưng vẫn chưa nguồn gộc của việc này - chẳng hạn, các sao đó liệu có ra đời cùng nhau từ một đĩa khí chung ở trung tâm của đám mây, hay chúng ghép cặp với nhau sau đó khi chạm trán nhau trong một cụm sao đông đúc.
Việc hiểu về cơ chế của sự hình thành các cặp sao là rất khó khăn vì các tiền sao trong những hệ này vẫn được bao quanh bởi một đám mây khí và bụi rất dày, ngăn cản không cho phần lớn ánh sáng thoát ra khỏi nó. May mắn thay, các nhà khoa học vẫn có thể quan sát được chúng ở bước sóng vô tuyến, miễn là chúng có thể được chụp ở độ phân giải đủ cao.
Trong nghiên cứu hiện tại đã được đăng trên Nature Astronomy, các nhà nghiên cứu do Yichen Zhang và Jonathan C.Tan đứng đầu đã sử dụng tổ hợp kính ALMA ở phía Bắc Chile để quan sát một vùng tạo sao có tên là IRAS07299-1651 nằm cách chúng ta 1,68 kiloparsec - tương đương với 5.500 năm ánh sáng.
Các quan sát cho thấy trong giai đoạn sớm này, đám mây khí và bụi đã xuất hiện hai đối tượng, một sao nặng ở trung tâm và một sao nhỏ hơn đang hình thành cũng có khối lượng tương đối cao.
Các quan sát cho thấy hai sao đang hình thành nằm cách nhau 180 đơn vị thiên văn (một đơn vị thiên văn, viết tắt là AU, là khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời). Như vậy là chúng cách nhau khá xa. Hiện chúng đang chuyển động trên quỹ đạo quanh nhau với chu kỳ khoảng 600 năm, và có tổng khối lượng ít nhất là 18 lần khối lượng Mặt Trời.
Theo Zhang: "Đây là một phát hiện thú vị vì chúng tôi từ lâu đã đau đầu với câu hỏi liệu các hệ sao kép hình thành trong vụ suy sập ban đầu ở đám mây tạo sao hay chúng xuất hiện ở giai đoạn sau. Quan sát của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng sự phân chia cặp sao diễn ra rất sớm, khi chúng vẫn còn là những sao sơ sinh."
Một phát hiện khác của nghiên cứu này là các sao kép được nuôi dưỡng bởi một đĩa chung với nguồn từ đám mây đang suy sập và việc đó củng cố kịch bản trong đó sao thứ hai của hệ hình thành do kết quả của sự phân tách đĩa bao quanh sao lớn hơn. Việc này cho phép tiền sao thứ hai này "ăn trộm" vật chất từ người anh em của mình và cuối cùng trở thành một cặp song sinh khá giống nhau.
Tan bổ sung: "Đây là kết quả quan trọng đối với hiểu biết về sự ra đời của các sao nặng. Những sao như vậy rất quan trọng trong khắp vũ trụ, nhất là khi mà vào cuối đời chúng tạo ra các nguyên tố nặng tạo thành Trái Đất và cơ thể của chúng ta."
Zhang kết luận: "Điều quan trọng lúc này là tìm kiếm những mẫu khác để xem liệu tình huống này là độc nhất hay nó là kịch bản chung cho sự ra đời các sao nặng."
Bryan
Theo Space Daily