comet McNaught

Theo một phát hiện của một nhà khoa học trẻ thông qua một kỹ thuật xử lý ảnh mới, từ trường của Mặt Trời có khả năng tác động đến và thay đổi hình dạng của đuôi một sao chổi.

Bụi sao chổi
Vào năm 2007, các nhà khoa học đã rất phấn khởi khi tàu không gian STEREO của NASA đã quan sát sao chổi C/2006 P1, còn gọi là sao chổi McNaught - cái tên được đặt theo nhà thiên văn Robert McNaught, người đã phát hiện ra sao chổi này vào một năm trước đó. Sao chổi McNaught này thuộc nhóm "Các sao chổi lớn", và là một trong những sao chổi sáng nhất được nhìn thấy từ Trái Đất trong suốt 50 năm vừa qua. Khi STEREO được kích hoạt, sao chổi này đã ngay lập tức đi qua ngay trước mặt nó, tạo cơ hội cho các nhà khoa học thu lại một lượng lớn các hình ảnh và dữ liệu chi tiết.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng phần đuôi của sao chổi này bao gồm các dải bụi kéo dài hơn 160 triệu km ở phía sau. Lý do đuôi sao chổi này có cấu trúc như vậy vẫn còn là một bí ẩn vào thời điểm đó. Tuy nhiên Oliver Price, một nghiên cứu sinh tiến sĩ về khoa học hành tinh tại Phòng Thí nghiệm Khoa học Không gian Mullard ở Đại học London, đã phát triển một kỹ thuật xử lý ảnh mới giúp hé lộ thêm nhiều điều độc đáo về sao chổi này.

 

Một kỹ thuật tiên tiến
Với kỹ thuật mới này, Price đã có thể có được nhiều thông tin mới từ dữ liệu về sao chổi McNaught. Quá trình hoạt động của các dải bụi ở đuôi sao chổi như cách chúng tan ra và hội tụ lại có thể được hiển thị tốt hơn.

"Chúng tôi đã thu được rất nhiều dữ liệu tốt khi quan sát McNaught, tuy nhiên chúng tôi đã phải tìm một cách để xử lý và phân tích tất cả dữ liệu đó về một định dạng có thể sử dụng được," Price cho biết trong một email. "Bụi sao chổi xuất phát từ nhân của nó - một thứ rộng đến hàng chục km - và phân tán ra để tạo thành một chiếc đuôi dài hàng triệu km, chính vì vậy rất khó để chúng ta có thể quan sát hết được! Kỹ thuật này của chúng tôi hiển thị tất cả dữ liệu từ các nguồn khác nhau theo các thuộc tính cơ bản nhất của các dải bụi - kích thước dải bụi và thời điểm chúng tách ra khỏi nhân. Điều này cho phép chúng tôi thấy được chính xác quá trình thay đổi của mỗi lớp bụi."

 

 

Với kỹ thuật mới này, Price đã có thể hiểu được tác động lớn của từ trường Mặt Trời đến hoạt động của bụi sao chổi này. Điều này còn có thể giúp chúng ta phát hiện ra các biểu hiện và quá trình tương tự ở các tiểu hành tinh, vệ tinh, và thậm chí là các hành tinh ở thời kỳ đầu của Hệ Mặt Trời.

"Trong một thời gian dài chúng ta đã biết rằng ánh sáng Mặt Trời cung cấp năng lượng cho đuôi bụi - ánh sáng chiếu đến từng hạt bụi và đẩy chúng khỏi sao chổi và đi vào không gian của Hệ Mặt Trời," Price nói. "Kết quả này cũng cho thấy rằng từ trường của Mặt Trời có thể ảnh hưởng đến hoạt động của lớp bụi và hình dáng của đuôi bụi. Khi Hệ Mặt Trời mới được hình thành, nó vốn chỉ là một đám mây bụi khổng lồ, có nét giống với một đuôi sao chổi. Điều này giúp chúng ta có nhiều điều để suy nghĩ đến hơn khi nghiên cứu về hoạt động của bụi trong thời kỳ đầu của Hệ Mặt Trời."

Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Icarus.

Tuấn Phong
Theo Astronomy