Những vụ nổ của các ngôi sao mà chúng ta gọi là các supernova có thể sáng tới mức vượt qua độ sáng của chính thiên hà chứa chúng. Chúng mất hàng tháng hoặc hàng năm để mờ dần đi, và đôi khi khí tàn dư của vụ nổ tương tác với những đám khí giàu hydro và tạm thời sáng trở lại. Nhưng liệu chúng có thể tiếp tục sáng mà không có tác động từ phía ngoài?
Đó là thứ mà Dan Milisavljevic - một giáo sư vật lý và thiên văn học ở Đại học Purdue (Idiana, Mỹ) - tin rằng ông đã nhìn thấy 6 năm trước trong vụ nổ SN 2012au.
"Chúng tôi chưa từng thấy một vụ nổ loại này mà vẫn còn quan sát được ở giai đoạn muộn như thế, trừ khi nó có một tương tác nào đó với khí hydro còn lại từ ngôi sao tiền thân của vụ nổ," ông nói. "Nhưng không có đột biến nào về quang phổ của hydro trong dữ liệu - có nghĩa là thứ gì đó khác đã tiếp năng lượng cho thứ này."
Khi các sao lớn phát nổ, lõi của chúng sụp đổ vào một điểm mà ở đó mọi loại hạt trở thành neutron. Nếu sao neutron còn lại sau đó có từ trường và quay đủ nhanh nó có thể tạo thành một tinh vân gió pulsar.
Đó là điều rất có thể đã xảy ra với SN 2012au - theo nghiên cứu đã công bố trên Astrophysical Journal Letters.
"Chúng tôi biết rằng các vụ nổ supernova tạo ra những loại sao neutron quay nhanh này, nhưng chúng tôi chưa từng nhìn thấy bằng chứng trực tiếp vào thời điểm độc nhất này," Milisavljevic nói. "Đây là thời điểm trọng yếu khi tinh vân gió pulsar đủ sáng để hành động như một bóng đèn rọi sáng lớp ngoài đã bị đẩy ra từ vụ nổ."
SN 2012au đã được biết là rất đặc biệt và kỳ lạ theo nhiều nghĩa. Mặc dù vụ nổ không đủ sáng để được gọi là supernova siêu sáng, nó vẫn đặc biệt mạnh và kéo dài, cũng như mờ đi một cách chậm chạp.
Milisavljevic dự đoán rằng nếu các nhà nghiên cứu tiếp tục theo dõi các supernova đặc biệt sáng, họ có thể thấy những biến chuyển tương tự.
"Nếu thực sự có tinh vân gió pulsar hoặc sao từ ở trung tâm của ngôi sao đã phát nổ, nó có thể kéo ngược khí vào trong và thậm chí có thể bồi tụ," ông nói. "Nếu chúng ta quay lại với một vài sự kiện như vậy sau ít năm và đo lường cẩn thận, chúng ta có thể quan sát thấy khí giàu oxy thoát ra từ vụ nổ còn nhanh hơn nữa."
Các supernova siêu sáng là một chủ đề được quan tâm trong các quan sát thiên văn thời gian ngắn. Chúng là những nguồn tiềm năng của sóng hấp dẫn và các lỗ đen. Các nhà thiên văn học cho rằng chúng có thể liên quan tới những loại vụ nổ khác như những vụ nổ tia gamma và những vụ nổ vô tuyến nhanh. Các nhà nghiên cứu muốn hiểu được bản chất vật lý cơ bản phía sau chúng, nhưng chúng rất khó quan sát bởi chúng khá hiếm và xảy ra cách Trái Đất quá xa.
Chỉ với thế hệ kính thiên văn tiếp theo mà các nhà thiên văn học gọi là "Những kính thiên văn cực lớn", họ mới có khả năng quan sát chi tiết những sự kiện như vậy.
"Đây là một quá trình cơ bản trong vũ trụ. Chúng ta đã không ở đây nếu chúng không xảy ra," Milisavljevic nói. "Rất nhiều nguyên tố thiết yếu cho sự sống tới từ những vụ nổ supernova - canxi cho xương của chúng ta, oxy mà chúng ta thở, sắt trong máu, ... - Tôi nghĩ rằng với chúng ta - những công dân của vũ trụ - thì việc hiểu được quá trình này là rất cần thiết."
Tuấn Phong
Theo Science Daily
Đọc thêm: Nova và Supernova.