blackhole

Các nhà thiên văn học tại Đại học quốc gia Australia (ANU) đã phát hiện ra lỗ đen lớn lên nhanh nhất từng biết tới trong vũ trụ. Họ mô tả nó là một con quái vật có thể nuốt một khối lượng tương đương Mặt Trời của chúng ta chỉ trong 2 ngày.

Các nhà thiên văn học đã nhìn ngược về quá khứ 12 tỷ năm trước, đầu một giai đoạn được gọi là thời kỳ tối của vũ trụ, khi mà các lỗ đen siêu nặng được ước tính là có khối lượng khoảng 20 tỷ lần Mặt Trời và cứ khoảng 1 triệu năm chúng lại lớn thêm 1%.

Tiến sĩ Christian Wolf làm việc tại Trường nghiên cứu Thiên văn học và Vật lý thiên văn thuộc ANU cho biết: "Lỗ đen này lớn lên nhanh đến mức nó phát ra ánh sáng gấp hàng nghìn lần so với cả một thiên hà bởi bức xạ từ các khí bị hút về phía nó ma sát và sinh ra nhiệt. Nếu con quái vật này nằm ở trung tâm của thiên hà Milky Way của chúng ta, nó sẽ sáng gấp 10 lần Trăng tròn. Nó sẽ hiện diện như một ngôi sao sáng chói đến mức gần như che mờ hết mọi ngôi sao khác trên bầu trời."

Wolf cho biết rằng năng lượng phát ra từ lỗ đen siêu nặng mới được khám phá này (còn được gọi là một quasar) gồm chủ yếu là tia tử ngoại, nhưng cũng có cả một phần tia X.

"Nếu nó nằm ở trung tâm của Milky Way thì nó sẽ khiến Trái Đất không thể có sự sống bởi lượng tia X lớn như vậy," ông nói.

Kính thiên văn SkyMapper ở Đài quan sát Siding Spring của ANU đã phát hiện ra bức xạ này ở dải cận hồng ngoại khi mà nó đã bị dịch chuyển đỏ qua hàng tỷ năm.

"Khi vũ trụ giãn nở, không gian giãn ra, kéo dài bước sóng của ánh sáng và thay đổi màu sắc của chúng," Wolf nói. "Các lỗ đen lớn và phát triển nhanh này là cực hiếm, chúng tôi đã phải dùng SkyMapper tìm kiếm chúng trong nhiều tháng. Vệ tinh Gaia của ESA có khả năng đo những chuyển động rất nhỏ của thiên thể đã hỗ trợ chúng tôi trong việc tìm ra lỗ đen siêu nặng này."

Tiến sĩ Wolf cho biết vệ tinh Gaia đã xác nhận vật thể mà họ tìm thấy nằm ở rất xa và có khả năng là một quasar rất lớn.

Khám phá lỗ đen siêu nặng mới này đã được xác nhận qua việc sử dụng máy quang phổ trên kính thiên văn 2,3 mét của ANU đêt phân tách các màu sắc khác nhau của ánh sáng thành các vạch quang phổ.

"Chúng tôi không biết bằng cách nào nó lớn lên đến mức đó và nhanh như vậy trong những ngày đầu của vũ trụ," Wolf nói. "Việc săn lùng vẫn đang tiếp tục để tìm ra những lỗ đen thậm chí còn lớn lên nhanh hơn nữa."

Theo tiến sĩ Wolf, khi những lỗ đen loại này phát sáng (từ khí bồi tụ vào chúng), chúng có thể được sử dụng như những ngọn đèn chuẩn để quan sát và nghiên cứu sự hình thành của các nguyên tố trong những thiên hà sớm của vũ trụ.

"Các nhà khoa học có thể nhìn thấy bóng của các thiên thể phía trước các lỗ đen siêu nặng," ông nói. "Các lỗ đen siêu nặng phát triển nhanh cũng hỗ trợ việc thổi tan lớp sương mù bao quanh chúng bởi khí ion hóa và khiến cho vũ trụ trở nên rõ ràng hơn."

Wolf cho biết các thiết bị thuộc những kính thiên văn mặt đất rất lớn đang được xây dựng trong thập kỷ tới sẽ có thể đo trực tiếp sự giãn nở của vũ trụ dựa vào những lỗ đen rất sáng này.

L.C

Theo Space Daily