Thiên hà mà chúng ta đang sống - Milky Way - có lẽ đang lớn lên. Đó là kết quả nghiên cứu của Cristina Martinez-Lombilla ở Viện vật lý thiên văn Canarias - Tenerife - Tây Ban Nha cùng các đồng nghiệp.
Hệ Mặt Trời nằm ở một trong những cánh tay trong đĩa chính của một thiên hà xoắn dạng thanh có đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng mà chúng ta gọi là Milky Way. Thiên hà của chúng ta có chứa hàng trăm tỷ sao, cùng lượng lớn khí và bụi, tất cả liên kết và tương tác với nhau bởi lực hấp dẫn.
Bản chất của tương tác này định hình cho thiên hà để nó có thể là thiên hà xoắn, elip hoặc không định hình. Milky Way của chúng ta là một thiên hà xoắn dạng thanh, với phần chính là một đĩa mà trên đó các sao, khí và bụi gần như nằm trên một mặt phẳng, các cánh tay tỏa ra từ vùng trung tâm.
Trong đĩa chính của Milky Way là các sao với nhiều độ tuổi khác nhau. Các sao xanh nặng và nóng là những sao rất sáng và có đời sống chỉ kéo dài vài triệu năm, trong khi các sao khối lượng thấp hơn thì đỏ và mờ hơn nhưng có thể sống tới hàng trăm tỷ năm.
Nhiều sao trẻ hơn được tìm thấy ở đĩa thiên hà, nơi các sao mới tiếp tục được hình thành, trong khi các sao già nằm nhiều ở chỗ phình quanh tâm thiên hà và trong quầng bao quanh đĩa chính.
Một số vùng tạo sao được tìm thấy ở rìa ngoài của đĩa, và các mô hình về sự hình thành thiên hà dự đoán rằng các sao mới sẽ làm tăng dần kích thước của thiên hà.
Một vấn đề cơ bản trong việc xác định hình dạng của Milky Way là ở chỗ chúng ta đang sống bên trong nó, vì thế các nhà thiên văn không thể trực tiếp quan sát Milky Way mà thay vào đó phải quan sát rất nhiều thiên hà tương tự để ngoại suy ra thiên hà của chúng ta.
Martinez-Lombilla và các đồng nghiệp của bà hướng nghiên cứu vào việc xác định xem liệu các thiên hà tương tự Milky Way có thực sự lớn lên, và nếu có thì điều đó có ý nghĩa gì đối với thiên hà của chúng ta.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kính thiên văn mặt đất của khảo sát bầu trời Sloan (SDSS) để tập hợp dữ liệu ở bước sóng biểu kiến và hai kính không gian GALEX và Spitzer để lấy dữ liệu cận tử ngoại và cận hồng ngoại, qua đó quan sát chi tiết màu sắc và chuyển động của các sao ở rìa đĩa của các thiên hà khác.
Các nhà nghiên cứu đã đo được ánh sáng trong những vùng này, chủ yếu xuất phát từ các sao xanh trẻ, và đó vận tốc theo chiều dọc (lên xuống so với đĩa thiên hà) của các sao để xác định xem chúng cần bao lâu để di chuyển khỏi nơi mà chúng sinh ra, cũng như các thiên hà chứa chúng tăng kích thước như thế nào. Dựa vào kết quả đó, nhóm nghiên cứu tính được rằng các thiên hà tương tự Milky Way đang lớn lên với tốc độ khoảng 500 mét mỗi giây - có nghĩa là đủ để đi từ Liverpool tới London trong khoảng 12 phút.
Martinez-Lombilla bình luận: "Milky Way đang lớn lên. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ít nhất một phần nhìn thấy của nó đang dần tăng kích thước nhờ các sao hình thành trong vùng ngoại vi thiên hà. Nó sẽ không nhanh, nhưng nếu bạn có thể du hành tới tương lao và nhìn lại nó ở thời điểm 3 tỷ năm nữa, nó sẽ lớn hơn ngày nay khoảng 5%."
Sự lớn lên chậm chạp này có thể sẽ mạnh lên trong tương lai xa. Theo dự đoán, Milky Way sẽ va chạm với thiên hà láng giềng là Andromeda trong khoảng 4 tỷ năm nữa, hình dạng của cả hai sẽ biến đổi rõ rệt khi chúng sáp nhập vào nhau.
Bryan
Theo Science Daily