Proxima Centauri

Một nhóm các nhà thiên văn học Meredith MacGregor và Alycia Weinberger ở Viện khoa học Carnegie đứng đầu đã phát hiện một quầng lửa lớn - một vụ bùng nổ năng lượng dưới dạng bức xạ - từ ngôi sao gần Mặt Trới nhất - sao Proxima Centauri. Phát hiện này làm dậy lên nhưng câu hỏi về khả năng sống được của Proxima b - hành tinh có quỹ đạo quanh Proxima Centauri.

MacGregor, Weinberger cùng các cộng sự của họ là David Wilner ở Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian và Adam Kowwalski, Steven Cranmer ở Đại học Colorado Boulder đã khám phát ra quầng lửa khổng lồ nêu trên khi họ phân tích lại các quan sát được thực hiện hồi năm ngoái của ALMA - một kính thiên văn vô tuyến được kết hợp từ 66 ăng ten.

Vào cực đại của mình, quầng lửa này sáng gấp 10 lần những quầng lửa Mặt Trời lớn nhất khi quan sát ở các bước sóng thông dụng. Các quầng lửa dạng này chưa được nghiên cứu chi tiết ở những bước sóng mà ALMA thu được, đặc biệt đối với các sao lùn M như Proxima Centauri - loại sao phổ biến nhất trong thiên hà của chúng ta.

"Ngày 24 tháng 3 năm 2017 là một ngày không hề mình thường đối với Proxima Centauri," MacGregor nói.

Quầng lửa đã làm độ sáng của ngôi sao tăng lên 1.000 lần trong 10 giây. Nó xảy ra cùng lúc với một quầng lửa nhỏ hơn, toàn bộ sự kiện đã diễn ra trong vòng chưa tới 2 phút trong tổng thời gian 10 giờ mà ALMA quan sát ngôi sao này trong khoảng giữa tháng 1 và tháng 3 năm ngoái.

Các quầng lửa sao xảy ra khi một biến động từ trường của ngôi sao gia tốc cho các electron tới gần vận tốc ánh sáng. Các electron được gia tốc tương tác với thành phần chính của ngôi sao là plasma năng lượng cao, gây ra sự phun trào với bức xạ trải dọc dải quang phổ điện từ.

"Có vẻ như Proxima b đã bị bắn phá bởi bức xạ năng lượng cao trong thời gian quầng lửa này diễn ra," MacGregor giải thích và bổ sung thêm rằng các nhà khoa học đã biết Proxima Centauri đã trải qua những quầng lửa khác dù nhỏ hơn. "Suốt hàng tỷ năm kể từ khi Proxima b hình thành, những quầng lửa như thế này có thể đã làm bay hơi toàn bộ khí quyển, đại dương và khử trùng bề mặt của nó, điều đó gợi ý rằng khả năng sống được không chỉ liên quan đến khoảng cách giữa ngôi sao và hành tinh để sao cho có nước lỏng."

Một bài báo vào tháng 11 cũng đã sử dụng dữ liệu của ALMA để giải thích độ sáng trung bình của ngôi sao này, trong đó có cả độ sáng kết hợp của bản thân ngôi sao và của quầng lửa. Các nhà khoa học thấy rằng độ sáng này có sự can thiệp của nhiều đĩa bụi chuyển động quanh Proxima Centauri, giống như vành đai tiểu hành tinh và vành đai Kuiper trong Hệ Mặt Trời của chúng ta. Các tác giả cho biết sự có mặt của bụi nói lên rằng có thể có nhiều hành tinh hoặc thiên thể dạng hành tinh trong hệ này.

Tuy nhiên,khi MacGregor và Weinberger cùng nhóm của họ theo dõi dữ liệu của ALMA dưới dạng một hàm biến đổi theo thời gian thay vì lấy giá trị trung bình, họ có thể thấy được vụ bùng nổ rực sáng này.

"Lúc này không có lý do gì để nghĩ rằng có lượng bụi đáng kể xung quanh Procima Centauri," Weinberger nói. "Cũng không có thông tin nào cho thấy ngôi sao này có hệ hành tinh phong phú như của chúng ta."

R.T

Theo Science Daily