Supermassive black hole

Các nhà khoa học đã giải quyết được một bí ẩn vũ trụ nhờ tìm thấy bằng chứng cho thấy các lỗ đen siêu nặng ngăn cản sự tạo sao ở nhiều thiên hà nhỏ. Những lỗ đen siêu nặng này đều có khối lượng hơn 1 triệu lần khối lượng của Mặt Trời và nằm ở trung tâm của các thiên hà. Những luồng gió mạnh từ chúng tác động lên sự tạo sao trong thiên hà.

Các nhà thiên văn học từng cho rằng việc này không ảnh hưởng tới sự tạo sao trong các thiên hà lùn, nhưng một nghiên cứu mới được thực hiện tại Đại học Portsmouth (Anh) đã chứng minh rằng chúng đóng vai trò quan trọng đối với quá trình này.

Kết quả nghiên cứu này đặc biệt quan trọng bởi các thiên hà lùn (những thiên hà nhỏ có chứa không quá vài tỷ sao) có số lượng nhiều hơn rất nhiều so với những hệ lớn hơn và những gì xảy ra trong những nơi đó sẽ cho chúng ta thấy một bức tranh phổ biến hơn về tiến hóa của thiên hà.

Tiến sĩ Samantha Penny ở Viện Vũ trụ học và Hấp dẫn của Đại học Portsmouth, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Các thiên hà lùn nhiều gấp 50 lần những thiên hà lớn hơn như Milky Way. Vì vậy nếu chúng ta muốn có một câu chuyện hoàn chỉnh về các thiên hà, chúng ta cần hiểu cách mà các thiên hà lùn này hoạt động."

Trong bất cứ thiên hà nào, các sao ra đời khi những đám mây khí sụp đổ dưới tác dụng của hấp dẫn bản thân. Nhưng các sao không phải cứ ra đời mãi mãi, ở một thời điểm nào đó, sự tạo sao trong một thiên hà dừng lại. Lý do của việc này là khác nhau đối với các thiên hà khác nhau, nhưng trong nhiều trường hợp thì thủ phạm là một lỗ đen siêu nặng.

Các lỗ đen siêu nặng có thể tác động lên khả năng tạo sao của thiên hà có chứa chúng thông qua một quá trình làm nóng. Khi gió từ lỗ đen va chạm với các đám mây phân tử nơi mà các sao được tạo thành, nó làm nóng khí và ngăn cản sự sụp đổ của chúng để tạo thành sao.

Nghiên cứu trước đây đã cho thấy quá trình này có thể ngăn cản sự tạo sao trong những thiên hà lớn có chứa hàng trăm tỷ sao. Tuy nhiên, các nhà khoa học từng cho rằng đối với các thiên hà lùn thì việc này được gây ra bởi một quá trình khác. Các nhà khoa học đã tin rằng những thiên hà lớn hơn có thể đã làm mất khí để tạo sao của các thiên hà lùn thông qua tương tác hấp dẫn.

Tuy nhiên, dữ liệu thu được đã cho các nhà nghiên cứu thấy rằng các thiên hà lùn được quan sát vẫn đang tích tụ khí để có thể tái khởi động quá trình tạo sao, nhưng vẫn không tạo sao được. Việc đó đã dẫn nhóm nghiên cứu tới việc tập trung vào các lỗ đen siêu nặng và có được khám phá mới.

Tiến sĩ Penny nói: "Kết quả của chúng tôi rất quan trọng đối với thiên văn học vì nó tác động tới những gì chúng ta biết về tiến hóa thiên hà. Các lỗ đen siêu nặng từng được cho rằng không có ảnh hưởng ở các thiên hà lùn, nhưng chúng tôi đã cho thấy không phải như vậy."

L.C

Theo Science Daily