Ross 128

Chúng ta vừa biết thêm một người láng giềng trong khu vực lân cận của mình - một hành tinh rất có thể là địa điểm thích hợp để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống.

Cách chúng ta chỉ 11 năm ánh sáng, một sao lùn đỏ đang ngủ yên là Ross 128 có ít nhất một hành tinh chuyển động trên quỹ đạo quanh nó. Hành tinh được ký hiệu là Ross-128b này có kích thước tương tự Trái Đất và khối lượng thì lớn hơn một chút. Mặc dù nó chuyển động quanh sao mẹ nhanh đến nỗi một năm ở đó chỉ kéo dài chưa tới 10 ngày, nó có thể là nơi gần nhất để tìm kiếm sự sống ngoài Hệ Mặt Trời.

Cho tới nay, mới chỉ có một ngoại hành tinh từng được xác nhận là gần chúng ta hơn Ross-128b, đó là Proxima Centauri b (hay còn viết tắt là Prox b). Nhưng Proxima Centauri có một điểm khác biệt quan trọng so với Ross 128: nó là một ngôi sao đang hoạt động, liên tục đốt nóng hệ hành tinh của chính nó với bức xạ thiêu đốt, khiến Prox b không có cơ hội nào có thể giữ được khí quyển, và do đó tất nhiên không thể có sự sống.

Ross 128 là một sao già hơn và rất ít hoạt động. Trên thực tế, hoạt động của nó là một trường hợp khá hiếm so với những sao lùn M khác. Có rất nhiều giả định có thể được xét tới, nhưng quan trọng là nêu như Ross-128b có khó quyển, nó sẽ không gặp rắc rối gì đối với việc giữ được khí quyển đó, không như trường hợp của Prox b. Và nếu khí quyển đó có sự xuất hiện hiệu ứng nhà kính, nó có thể làm nóng hành tinh tới 70 độ F (21 độ C).

Một điều đáng chú ý là Ross-128b bị khóa triều với sao mẹ của nó, và các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định được xem điều này ảnh hưởng gì tới khả năng của sự sống, khi mà một mặt của hành tinh luôn hướng về sao mẹ còn mặt còn lại không bao giờ được chiếu sáng.

Hành tinh này đã được phát hiện bởi thiết bị tìm kiếm hành tinh bằng phương pháp đo vận tốc xuyên tâm với độ chính xác cao (HARPS) của Đài quan sát Nam bán cầu của Châu Âu (ESO) sau nhiều phép đo tiến hành trong nhiều năm.

Do chuyển động của Mặt Trời cũng như các sao lân cận quanh trung tâm của thiên hà, sau 79.000 năm nữa, Ross 128 sẽ là hệ hành tinh ở gần chúng ta nhất. Lúc đó, chúng ta có thể vẫy chào nếu như có sự sống trên Ross-128b, và tất nhiên, nếu như nhân loại lúc đó chưa chết hết.

L.C

Theo Astronomy