Mars

Một nghiên cứu mới cho thấy các vi khuẩn bị đóng băng thực sự có thể tồn tại trong bầu khí hậu khắc nghiệt của Sao Hỏa trong hàng triệu năm.

Những nhiệm vụ nghiên cứu từ trên cao và trên bề mặt Sao Hỏa đã tìm kiếm sự sống trong nhiều năm, nhưng có một câu hỏi quan trọng đáng để hỏi trong việc tìm kiếm sự sống này: Nếu sự sống đã từng phát triển mạnh mẽ ở đó, các vi sinh vật cuối cùng liệu có thể tồn tại bao lâu trong điều kiện khắc nghiệt hiện tại của Sao Hỏa? Và chúng có thể tồn tại tốt nhất ở nơi nào?

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Lomonosov Moscow (Nga) vừa đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi này. Bài báo đăng trên tạp chí Extremophiles tập trung vào các vi khuẩn xuất hiện tự nhiên ở đá trầm tích đóng băng vĩnh cửu tại Bắc cực, mẫu này là một trong những mẫu tương đồng cao nhất so với mẫu đất trên Sao Hỏa.

Các vi khuẫn đã được tiếp xúc với các điều kiện giống như ở Sao Hỏa, ví dụ như bức xạ gamma cường độ cao (10.000.000 rads), nhiệt độ và áp suất cực kỳ thấp (-50 C; 133 Pascals) và mất nước. Kết quả là gì? Một lượng lớn các vi khuẩn sống sót qua điều kiện khắc nghiệt như trên Sao Hỏa, điều này làm tăng hy vọng rằng các loài vi khuẩn trên Hành tinh Đỏ cũng có thể tồn tại trong hệ sinh thái băng giá để rồi các xe thăm dò, hoặc một ngày nào đó, các nhà khoa học đến phục hồi chúng.

Nghiên cứu này được tiến hành bằng cách sử dụng một buồng tạo khí hậu ổn định. Các tác giả nhấn mạnh họ sử dụng các vi khuẩn tự nhiên chứ không phải vi khuẩn thuần chủng. Nghiên cứu các nhóm vi khuẩn tự nhiên cho phép những so sánh tốt hơn với thực tế, cho phép đa dạng sinh học cao hơn và tăng sự tương đồng của nhóm nhiên cứu đối với bất kỳ vi khuẩn tiềm năng nào trên Sao Hỏa.

“Tóm lại, chúng tôi đã tiến hành một thí nghiệm mô phỏng khá tốt về các điều kiện bảo tồn lạnh trong hệ thống Sao Hỏa,” Vladimir S. Cheptsov - một trong số các tác giả của bài báo nói, “Kết quả nghiên cứu chỉ ra khả năng bảo tồn lạnh trong một thời gian dài cho các vi sinh vật có thể tồn tại.”

Sau khi chiếu xạ, tổng số tế bào không nhân và tế bào vi khuẩn chuyển hóa vẫn giữ nguyên trạng, mặc dù các loại vi khuẩn chiếm ưu thế nhất trong mẫu đã thay đổi. Sự tăng lên của một quần thể đặc biệt của vi khuẩn thuộc nhóm Arthrobackter đã cho thấy rằng các vi khuẩn này có thể chống lại các điều kiện khắc nghiệt nhất.

Nghiên cứu này đặc biệt đáng chú ý khi mà sự thật là không có nghiên cứu nào trước đây tìm thấy những tế bào không nhân sống được sau khi chịu bức xạ 8.000000 rad (80 kGy), thấp hơn bức xạ đã được sử dụng trong nghiên cứu này. Đây là lần đầu tiên vi khuẩn được chứng minh là có thể tồn tại được sau khi chiếu mức bức xạ gamma cao như vậy, điều này có thể là do sự đa dạng sinh học của mẫu tự nhiên.

Vậy thời gian có thể là bao lâu? “Xét đến cường độ bức xạ trong tầng mặt của Sao Hỏa, dữ liệu thu thập của chúng tôi cho phép giả định rằng các hệ sinh thái Sao Hỏa có thể được bảo tồn trong lớp vỏ của tầng bề mặt Sao Hỏa (bảo vệ khỏi tia cực tím) trong ít nhất 1,3 – 2 triệu năm, ở độ sâu 2 mét thì không dưới 3,3 triệu năm và độ sâu 5 mét trong ít nhất 20 triệu năm” Cheptsov nói.

Đó là một thời gian đủ dài cho sự sống và điều này làm tăng cơ hội một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm thấy những gì chúng ta đang tìm kiếm trong vùng đất đỏ băng giá của Sao Hỏa.

Cheptsov nói thêm rằng nghiên cứu này không chỉ áp dụng cho Sao Hỏa. Đối với việc tìm kiếm sự sống trong Hệ Mặt Trời của chúng ta, đặc biệt là trên các vệ tinh băng giá, các kết quả này cũng có thể được áp dụng để đánh giá khả năng phát hiện các vi sinh vật có thể sống được trên các vật thể khác trong Hệ Mặt Trời và trong các thiên thể nhỏ ngoài vũ trụ”.

Mỹ Linh

Theo Astronomy