Pleiades

Pleiades là một trong những nhóm sao dễ nhận ra nhất trên bầu trời phía Bắc. Mặc dù bằng mắt thường, chúng ta chỉ nhìn thấy 7 ngôi sao sáng của nhóm này, nhưng trên thực tế nó là một cụm sao mở trẻ với tuổi khoảng 100 triệu năm và bao gồm khoảng 100 sao hoặc hơn. Mặc dù cụm sao này chỉ cách chúng ta chưa tới 500 năm ánh sáng, còn rất nhiều điều về nó mà các nhà thiên văn học chưa biết, lí do là các sao của nó quá sáng để có thể quan sát qua các kính thiên văn trên thế giới ngày nay.

Nhưng mới đây, một nhóm các nhà thiên văn học đa quốc gia đã tìm ra cách giải quyết vấn đề này. Họ sử dụng kính thiên văn không gian Kepler để khám phá và nghiên cứu sự biến quang của các sao sáng nhất trong Pleiades. Nghiên cứu này đứng đầu bởi Tim White ở Trung tâm Vật lý thiên văn về sao thuộc Đại học Aarhus - Đan Mạch và đã được công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society (Thông báo hàng tháng của Hội thiên văn học Hoàng gia).

Trong bài báo của mình, các nhà khoa học phác thảo một kỹ thuật mới được gọi là "trắc quang quầng" (halo photometry). Kỹ thuật này có thể xác định sự thay đổi độ sáng của các sao, ngay cả khi chúng quá sáng để có thể nghiên cứu trực tiếp. Thuật toán được sử dụng cho kĩ thuật này có chức năng nhìn vào các điểm ảnh mà camera thu được ở phía bên cạnh thay vì ở chính giữa của vùng sáng nhất. Với kỹ thuật đó, nhóm nghiên cứu đã đo sự thay đổi độ sáng và phát hiện rằng cả 7 ngôi sao sáng của Pleiades đều là sao biến quang. Hầu hết các sao này đều là sao loại B (Mặt Trời là một sao G). Chúng có sự thay đổi độ sáng theo chu kỳ từ 1 tới 5 ngày.

Hiện nay vẫn còn rất ít hiểu biết về các sao như vậy. Việc có thêm các sao của Pleiades trong danh sách các sao đã biết và nghiên cứu chùng qua quan sát bằng kính Kepler sẽ giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về những quá trình xảy ra ở các sao như vậy.

Tuy nhiên, có một sao trong số đó có sự khác biết. Đó là sao Maia. Độ sáng của Maia thay đổi theo chu kỳ 10 ngày. Tò mò về nó, các nhà thiên văn học tiếp tục quan sát thêm bằng kính thiên văn Hertzsprung SONG. Khi nhìn vào quang phổ thu được, họ nhận thấy độ sáng mà Kepler đã quan sát được có liên quan tới sự thay đổi của nguyên tố mangan trong khí quyển ngôi sao này. Thay vì phát sáng và biến quang theo cách của các sao khác, sự biến đổi của Maia xảy ra do thành phần hoá học trên bề mặt của nó.

Một điều thú vị và hài hước là cách đây 60 năm, các nhà thiên văn học tin rằng họ đã xác định được sự biến quang của Maia, nhưng theo chu kỳ chỉ vài giờ chứ không phải là nhiều ngày. Từ phát hiện ngày đó, một loại sao biến quang riêng đã được qui ước, chỉ các sao có đặc tính biến quang như vậy, gọi là các sao biến quang Maia. Nhưng giờ đây, như White nói: "Những quan sát mới của chúng tôi cho thấy bản thân Maia không phải là một sao biến quang Maia."

Bryan

Theo Astronomy