our galaxy

Vũ trụ vô cùng rộng lớn, với hàng tỉ hành tinh chuyển động quanh hàng tỷ ngôi sao. Tiềm năng cho sự sống thông minh tồn tại ở đâu đó trong vũ trụ phải là rất lớn. Vậy, họ đâu cả rồi?

Đó là nghịch lý Fermi. Daniel Whitmire, một nhà thiên văn học đã về hưu dạy toán học ở Đại học Arkansas, từng nghĩ rằng sự im lặng của vũ trụ khiến chúng ta như một giống loài bị bỏ lại phía sau.

Whitmire nói: "Tôi đã dạy thiên văn học trong 37 năm. Tôi từng nói với các sinh viên của mình rằng theo số liệu thống kê, chúng ta phải là những kẻ ngu ngốc nhất trong thiên hà. Xét cho cùng chúng ta chỉ phát triển công nghệ trong khoảng 100 năm, trong khi những nền văn minh khác có thể có kỹ thuật tiến bộ hơn chúng ta hàng triệu thậm chí hàng tỉ năm."

Tuy nhiên gần đây, ông đã thay đổi quan điểm. Bằng cách áp dụng một khái niệm thống kê được gọi là nguyên tắc tầm thường - ý tưởng cho rằng nếu không có bằng chứng ngược lại, chúng ta nên coi chúng là điển hình, chứ không phải là không điển hình - Whitmire đã kết luận rằng thay vì tụt lại phía sau, loài của chúng ta có thể là trung bình. Đó không phải là một tin tốt.

Trong một bài báo xuất bản ngày 3 tháng 8 trên Tạp chí Sinh học Thiên văn Quốc tế, Whitmire cho rằng nếu chúng ta là điển hình, thì các loài như chúng ta đã tuyệt chủng ngay sau khi đạt được tri thức về kỹ thuật. Lập luận dựa trên hai quan sát: Chúng ta là những chủng loài phát triển kỹ thuật đầu tiên trên Trái Đất, và chúng ta phát triển kỹ thuật của mình từ rất sớm. (Ông định nghĩa "chủng loài sử dụng kỹ thuật" là một chủng loài sinh học đã phát triển các thiết bị điện tử và có thể làm thay đổi đáng kể hành tinh.)

Quan sát đầu tiên dường như rất rõ ràng, nhưng như Whitmire đã ghi nhận trong bài báo của mình, các nhà nghiên cứu tin rằng Trái Đất trong tương lai có thể cho phép động vật tồn tại ít nhất là một tỷ năm nữa. Dựa vào độ dài khoảng thời gian mà các loài linh trưởng tiền sử đã tiến hoá thành chủng loài kỹ thuật thì thời gian 1 tỷ năm nêu trên đủ để quá trình đó diễn ra đến 23 lần nữa. Trong khoảng thời gian đó, có thể đã có những chủng người khác trước chúng ta, nhưng không có ghi nhận địa chất nào cho thấy chúng ta không phải là chủng người đầu tiên.

Theo định nghĩa của Whitmire, chúng ta đã trở thành "loài sử dụng kỹ thuật" sau cuộc cách mạng công nghiệp và việc phát minh ra đài phát thanh, cách đây khoảng 100 năm. Theo nguyên tắc tầm thường, đồ thị có dạng đường cong về độ tuổi của các nền văn minh phát triển kỹ thuật còn tồn tại trong vũ trụ đặt chúng ta vào vị trí cho thấy 95% là nền văn minh của chúng ta sẽ chỉ tồn tại dưới 200 năm nữa. Nói cách khác, các nền văn minh kỹ thuật tồn tại hàng triệu năm hoặc lâu hơn sẽ không điển hình. Vì chúng ta là loài kỹ thuật đầu tiên (trên Trái Đất), nên những nền văn minh kỹ thuật điển hình khác cũng là đầu tiên (ở hành tinh của họ). Nguyên tắc tầm thường không cho phép có khả năng thứ hai. Điều này có hàm ý rằng một khi một chủng loài phát triển kỹ thuật, họ sẽ đốt cháy và phá huỷ sinh quyển của mình và nó sẽ chết cùng với họ (khi họ tuyệt chủng). Khi xét trên phân bố độ tuổi tổng quát của các nền văn minh, có thể coi là độ tuổi của một nền văn minh phát triển kỹ thuật nằm trong khoảng nhỏ hơn 500 năm.

Tất nhiên, luôn có khả năng chúng ta không điển hình và tuổi thọ của chủng loài chúng ta sẽ rơi ở đâu đó trong 5 phần trăm khả năng còn lại. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ quay lại với quan điểm cũ của Whitmire, đó là "Chúng ta là những kẻ ngu ngốc nhất trong thiên hà đông đúc này."

Minh Phương

Theo Science Daily