Sun

Theo một phát hiện mới của một nhóm các nhà thiên văn học nhiều quốc gia, lõi Mặt Trời quay nhanh gấp gần 4 lần so với bề mặt của nó. Các nhà khoa học trước đây từng cho rằng lõi Mặt Trời đang xoay tròn như một chiếc đu quay với tốc độ tương đương với bề mặt.

Roger Ulrich là giáo sư danh dự về thiên văn học của Đại học California - Los Angeles (UCLA), người đã nghiên cứu bên trong Mặt Trời trong hơn 40 năm và là đồng tác giả của nghiên cứu được xuất bản mới đây trên Astronomy and Astrophysics (tạp chí Thiên văn học và Thiên văn vật lý) nói: “Giải thích phù hợp nhất cho hiện tượng này chính là chuyển động quay của lõi còn sót lại từ thời kỳ Mặt Trời được hình thành vào khoảng 4,6 tỷ năm trước. Thật ngạc nhiên và thú vị khi nghĩ rằng chúng ta có thể đã phát hiện ra một di tích về “Mặt Trời thời đó như thế nào” vào thuở ban đầu nó được hình thành."

Sự quay của lõi Mặt Trời có thể cho chúng ta manh mối về cách mà Mặt Trời đã hình thành. Sau khi Mặt Trời hình thành, gió Mặt Trời có thể làm chậm lại sự quay ở phần bề mặt phía ngoài của Mặt Trời. Sự quay cũng có thể ảnh hướng đến các vết đen Mặt Trời (chúng cũng di chuyển cùng sự quay của Mặt Trời), ông nói. Vết đen Mặt Trời có thể rất lớn và một vết đen thậm chí có thể lớn hơn Trái Đất.

Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu các sóng âm bề mặt trong khí quyển của Mặt Trời, một số trong đó có thể đi sâu vào trong lõi của Mặt Trời – nơi chúng sẽ tương tác với các sóng trọng lực - loại sóng dao động giống như nước trong một thùng chưa đổ đầy được chở trên xe tải đi trên đường núi. Từ những quan sát này, họ đã xác định được chuyển động của lõi Mặt Trời. Bằng cách đo cẩn thẩn các sóng âm, các nhà nghiên cứu đã xác định chính xác thời gian cần thiết để một sóng âm di chuyển từ bề mặt đến trung tâm Mặt Trời và ngược lại. Thời gian di chuyển này hoá ra bị ảnh hưởng khá nhiều bởi chuyển động dập dềnh của sóng trọng lực, Ulrich nói.

Các nhà nghiên cứu đã xác định chuyển động dập dềnh này và lập các phép tính bằng cách sử dụng 16 năm quan sát từ một thiết bị gọi là GOLF – thiết bị đo dao động tổng thể ở tầm số thấp trên một tàu vũ trụ mang tên SoHO (– đây là một dự án hợp tác của ESA và NASA. Phương pháp này được phát triển bởi các nhà nghiên cứu đứng đầu bởi nhà thiên văn học Eric Fossat thuộc Đài quan sát Côte d’Azur tại Nice, Pháp dẫn đầu. Patrick Boumier ở Viện vật lý thiên văn không gian Pháp là nghiên cứu viên chính của GOLF và là đồng tác giả nghiên cứu.

Ý tưởng cho rằng lõi Mặt Trời có thể quay nhanh hơn bề mặt đã được xem xét trong hơn 20 năm nhưng vẫn chưa từng được đo lường. Lõi của Mặt Trời khác với bề mặt của nó theo một cách khác so với dự đoán trước đây. Lõi này có nhiệt độ xấp xỉ 29 triệu độ F (15,7 triệu Kelvin) trong khi bề mặt của Mặt Trời thì “chỉ” khoảng 10.000 độ F (hay 5.800 Kelvin).

Ulrich đã làm việc với nhóm khoa học của GOLF, phân thích và giải thích dữ liệu trong 15 năm. Ulrich nhận được tài trợ từ NASA cho nghiên cứu của ông. Công cụ GOLF được tài trợ chủ yếu bởi Cơ quan không gian châu Âu (ESA).

SoHO đã được khởi động vào ngày 2 tháng 12 năm 1995 nhằm nghiên cứu Mặt Trời từ lõi của nó đến lớp ngoài và gió Mặt Trời. Tàu vũ trụ này vẫn tiếp tục hoạt động.

Mỹ Linh

Theo Science Daily