Một tiểu hành tinh mới được đặt tên là 2007 OO1 đã được phát hiện vào ngày 23 tháng 7 vừa qua bằng kính thiên văn ATLAS-MLO đặt tại Mauna Loa, Hawaii. Một phân tích quỹ đạo đã chỉ ra rằng thiên thể này đã tới gần Trái Đất nhất vào khoảng từ 09h27 cho tới 10h32 ngày 20 tháng 7 theo giờ Việt Nam.
Điều đó có nghĩa là tiểu hành tinh đã tới gần chúng ta nhất trước khi chúng ta thấy nó khoảng 2,5 tới 3 ngày. Nó đã tới gần Trái Đất ở khoảng cách 123.031 km, tức là chỉ bằng một phần ba khoảng cách của Mặt Trăng.
Mặc dù đây là một khoảng cách đủ an toàn để không có bất cứ điều gì đáng lo ngại, có một sự thật là tiểu hành tinh 2017 OO1 có kích thước lớn gấp ba lần tiểu hành tinh đã lao vào bầu trời vùng Chelyabinsk của Nga hồi tháng hai năm 2013. Sự kiện 2013 đó đã phá vỡ cửa sổ của các ngôi nhà thuộc 6 thành phố thuộc nước Nga và khiến hơn 1.000 người phải nhập viện - hầu hết bị thương do các mảnh kính vỡ.
Việc phát hiện muộn tiểu hành tinh 2017 OO1 nhắc nhở chúng ta rằng sự kiện tương tự như vụ ở Chelyabinsk có thể sớm lặp lại. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng tiểu hành tinh này thuộc loại nhỏ, nó quá nhỏ để có thể gây ra một sự kiện tuyệt chủng như nhiều người vẫn lo ngại.
Tiểu hành tinh 2017 OO1 được ước tính có kích thước khoảng từ 25 đến 78 mét. Khi được phát hiện lần đầu nhờ quan sát từ Mauna Loa, Hawaii, nó có độ sáng rất mờ, chỉ đạt cấp 17,9 - điều này cho thấy nó rất tối, gần như không phản xạ ánh sáng và do đó rất khó phát hiện (17,9 ở đây là cấp đo độ sáng của thiên thể, thường gọi chung là cấp sao. Cấp càng nhỏ thì thiên thể càng sáng. Thông thường mắt người chỉ có thể nhìn thấy tối đa là cấp 6). Thiên thể này đang di chuyển với vận tốc 37.300 km/h).
Bryan
Theo Earth Sky