Phân tích mới thực hiện trên các đám mây plasma được đẩy ra từ Mặt Trời gợi ý rằng những vụ phun trào ở Mặt Trời hành xử giống như một cú hắt hơi.
Cho tới nay, các nhà thiên văn học đã theo dõi những cấu trúc dạng mây của những vụ phun trào nhật hoa (được viết tắt là CME) như những thực thể đơn lẻ. Nghiên cứu mới nhất được công bố chi tiết trên Scientific Reports gợi ý rằng các CME giống như một cú hắt hơi hoặc một đám mây bụi - tập hợp của hàng triệu mảnh plassma riêng biệt, mỗi mảnh đều độc lập với nhau.
"Điều này có nghĩa là việc cố gắng dự đoán hình dạng và chuyển động của các CME khi chúng đi qua gió Mặt Trời là cực khó. Vì vậy, nếu chúng ta muốn bảo vệ mình khỏi những vụ phun trào ở Mặt Trời, chúng ta cần hiểu rõ hơn về gió Mặt Trời." - Mathew Owens, giáo sư vật lý thiên văn ở Đại học Reading (Anh), nói.
Owens và các cộng sự của ông cho biết nghiên cứu của họ là nghiên cứu đầu tiên chi tiết về cách mà gió Mặt Trời cùng những cơ chế khác bên ngoài ảnh hưởng tới hành vi của các CME.
Bằng cách phân tích động học mặt cắt ngang của một CME, các nhà nghiên cứu cho thấy những đám mây phun trào nhanh chóng đạt đến ngưỡng mà ở đó chúng không còn hành xử đồng đều toàn diện. Vượt qua ngưỡng đó, các mảnh plasma trong đám mây mở rộng ra rất nhanh và ngừng phản ứng với các ngoại lực như một cấu trúc thống nhất. Do đó, theo các nhà khoa học thì những mô hình về CME hiện nay cần được thiết lập lại.
CME có thể làm hư hại các vệ tinh, hệ thống liên lạc và điện, cũng như đặt những người đang đi máy bay hoặc ở trên độ cao lớn vào nguy cơ bị phơi dưới bức xạ cường độ cao. Việc dự đoán hoạt động của các CME là cần thiết để ngăn ngừa và chuẩn bị cho những thiệt hại mà chúng gây ra.
Tuấn Phong
Theo Space Daily