NASA đã tiết lộ hôm thứ hai về 10 hành tinh đá có kích cỡ Trái Đất có khả năng có nước và hỗ trợ sự sống.
Nhóm nhiệm vụ Kepler đã công bố cuộc khảo sát 219 ngoại hành tinh tiềm năng đã được xác định bởi đài quan sát không gian Kepler. Đài quan sát này được phóng vào năm 2009 với mục đích khảo sát thiên hà Milky Way.
Mười hành tinh đá mới được phát hiện này đang chuyển động quanh "mặt trời" của chúng ở một khoảng cách tương tự như quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời, trong phạm vi của vùng sống được có khả năng có nước lỏng và duy trì sự sống.
Kepler đã khám phá được 4.034 ứng viên ngoại hành tinh và 2.335 trong số đó đã được những kính thiên văn khác xác nhận là hành tinh thực sự . Mười hành tinh có kích cỡ Trái Đất này đã nâng tổng số hành tinh nằm trong vùng sống được trong thiên hà Milky Way lên con số 50.
"Danh mục được đo lường cẩn thận này là cơ sở để trực tiếp trả lời một trong những câu hỏi hấp dẫn nhất của thiên văn học: Có bao nhiêu hành tinh giống Trái Đất trong thiên hà của chúng ta?”, Susan Thompson – một nhà khoa học nghiên cứu thuộc Kepler và là tác giả chính của nghiên cứu mới nhất này nói.
Những phát hiện mới nhất này được công bố tại hội nghị khoa học Kepler và K2 lần thứ 4 đang được tổ chức vào tuần này tại trung tâm nghiên cứu Ames của NASA tại California.
Kính thiên văn Kepler phát hiện sự hiện diện của các hành tinh bằng cách ghi nhận sự sụt giảm rất nhỏ về độ sáng của một ngôi sao xảy ra khi một hành tinh đi qua phía trước nó khi quan sát từ Trái Đất. Chuyển động này được biết đến là hiện tượng quá cảnh.
Những phát hiện này dựa trên dữ liệu thu thập trong bốn năm đầu tiên của nhiệm vụ mà các nhà khoa học đã tiến hành xác định kích cỡ và thành phần của các hành tinh quan sát được.
Các nhà khoa học nhận thấy những hành tinh mới được phát hiện này có về cơ bản thuộc hai nhóm riêng biệt: nhóm hành tinh đá nhỏ (thường lớn hơn Trái Đất khoảng 75%) và nhóm hành tinh khí lớn hơn nhiều (kích cỡ tương tự như Sao Hải Vương).
NASA cho biết danh mục mới nhất này là cuộc khảo sát chi tiết nhất và đầy đủ nhất về các ngoại hành tinh tiềm năng chưa được tính đến trước đây. Kính thiên văn Kepler đã nghiên cứu một số ngôi sao trong 150.000 ngôi sao thuộc chòm sao Cygnus, một cuộc khảo sát mà NASA cho biết bây giờ đã hoàn thành.
"Dữ liệu của nhóm Kepler là độc nhất và nó là dữ liệu duy nhất chứa danh mục các hành tinh gần Trái Đất có kích cỡ và quỹ đạo xấp xỉ Trái Đất”, Mario Perez thuộc Phòng Vật lý Thiên văn của NASA nói, “Hiểu rõ về mật độ của chúng trong thiên hà sẽ giúp cung cấp thông tin cho việc thiết kế các nhiệm vụ của NASA trong tương lai nhằm trực tiếp ghi nhận hình ảnh một Trái Đất khác”.
Nhiệm vụ đã gặp phải những vấn đề kĩ thuật vào năm 2013 khi cơ chế đổi hướng vệ tinh bị hỏng, nhưng kính thiên văn vẫn tiếp tục tìm kiểm những hành tinh tiềm năng trong vùng sống được với vai trò một phần của dự án K2. Vào năm tới, NASA sẽ tiếp tục quan sát thiên hà Milky Way bằng cách sử dụng những thiết bị kế nhiệm của Kepler.
Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh bằng phương pháp quá cảnh (TESS) sẽ dành hai năm để quan sát 200.000 ngôi sao sáng nhất ở gần nhằm tìm kiếm những thế giới mới giống Trái Đất của chúng ta.
Các nhà khoa học cũng hi vọng rằng kính thiên văn James Webb thay thế cho kính Hubble vào năm 2018 sẽ có thể phát hiện được cấu tạo phân tử của bầu khí quyển các ngoại hành tinh, bao gồm cả khả năng tìm kiếm được các dấu hiệu của các dạng sống tiềm năng trên chúng.
Mỹ Linh
Theo Space Daily