PIA21430 hiresMọi thứ đều lạnh trên OGLE-2016-BLG-1195Lb, nhưng đối với các nhà thiên văn học thì việc khám phá ra nó lại là một điều rất 'nóng'. Đó là vì nó là hành tinh nhỏ nhất từng được phát hiện qua vi thấu kính hấp dẫn, một hiệu ứng vật lý diễn ra rất nhanh, trong đó các thiên thể xa xôi xuất trở nên sáng hơn khi một vật thể lớn chuyển động qua giữa nó và Trái Đất.


NASA vừa công bố khám phá này hôm 26/4. Bằng các dữ liệu từ kính thiên văn không gian Spitzer, một nhóm dẫn đầu bởi Ian Bond của đại học Massey đã tìm thấy một thiên thể kích cỡ Trái Đất, và cũng có khoảng cách tới sao mẹ tương tự như hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, không thể vội nghĩ tới chuyện đóng gói đồ đạc để chuyển tới đó, bởi vì: hành tinh này chuyển động quanh một sao lùn M nhỏ, và nó quá lạnh để có thể dành cho sự sống mà chúng ta vẫn biết tới. Nhiệt độ của nó được cho là khoảng -400 độ F (-240 độ C). Điều đó khiến cho hành tinh này lạnh như Pluto.

Việc xác định một hành tinh với quỹ đạo quanh một sao như thế này là rất khó. Hầu hết việc tìm kiếm ngoại hành tinh, đặc biệt là với phương pháp quá cảnh, đều chỉ xác định được những những hành tinh có chu kỳ quĩ đạo ngắn – vài ngày, vài tuần hay vài tháng thay vì vài năm. Để xác định một hành tinh thông qua sự quá cảnh, bạn cần phải quan sát nhiều lần quá cảnh, vậy thì một hành tinh ở khoảng cách của Sao Mộc sẽ cần ít nhất 24 năm để phát hiện vì chu kỳ quỹ đạo của nó là 12 năm. Thật vậy, ngay cả một thiên thể có khoảng cách của Sao Hỏa cũng đòi hỏi kính Kepler đợi tới hai lần theo dõi sự quá cảnh của nó. Khoảng 12% trong số các ngoại hành tinh đã được phát hiện có chu kỳ quĩ đạo dài hơn Trái Đất (tương đương với 425 trong số 3405 hành tinh đã được xác nhận).

Một thách thức khác nữa là: OGLE-2016-BLG-1195Lb thực sự ở rất rất xa chúng ta, 23 400 năm ánh sáng. Nó là một trong những hành tinh xa nhất từng được phát hiện. Vậy chúng ta đã tìm ra một hành tinh nhỏ và rất xa xôi này bằng cách nào? Câu trả lời là nó được mang tới từ sự kỳ diệu của thấu kính hấp dẫn.

Mọi thiên thể trong vũ trụ đều bị "ép xuống" trên kết cấu của không - thời gian. Thiên thể càng lớn thì ảnh hưởng càng lớn trong không gian. Tác động này có thể quan sát được khi một thiên thể lớn đi qua phía trước một thiên thể khác. Ví dụ, một sao lớn ở gần Trái Đất đi qua một sao nhỏ xa Trái Đất hơn, khi đó, những sự biến dạng của không gian có thể được thấy qua ngôi sao gần đó. Nhưng sự kiện này cũng phóng to thiên thể ở xa hơn từ góc nhìn của chúng ta, và cho thấy những chi tiết mà thông thường chúng ta không thể quan sát được.

Trong khi các sự kiện vi thấu kính có thể cho thấy hình ảnh trực tiếp về các hành tinh, khám phá này vẫn dựa trên sự mờ đi của sao mẹ khi hành tinh quá cảnh để quan sát nó.

Danh mục Ngoại hành tinh liệt kê 56 thiên thể dạng hành tinh được khám phá bởi vi thấu kính hấp dẫn, hầu hết được phát hiện bởi chương trình Thử nghiệm Thấu kính Hấp dẫn Quang học (Optical Gravitational Lensing Experiment – OGLE), chính nó đã phát hiện ra -1195Lb. Trước đó, thiên thể có kích thước nhỏ nhất được biết đến là OGLE-2005-169Lb, có khối lượng của Sao Hải Vương. -1195Lb được ước tính gấp khoảng 5 lần khối lượng Trái Đất.

Các nghiên cứu tiếp theo có thể sẽ còn khó khăn hơn bởi vi thấu kính hấp dẫn xảy ra một cách ngẫu nhiên. Hiện giờ, chúng ta sẽ phải kiên nhẫn chờ đợi để quan sát khi một ngôi sao khác đến giữa chúng ta và hành tinh này, để phát hiện thêm những thông tin mới.

L.C
Theo Astronomy