H21 160Ngày 24 tháng 4 năm 2017 này, kính thiên văn không gian Hubble kỷ niệm tròn 27 năm ngày nó bắt đầu được đưa lên quỹ đạo thấp, chuyển động quanh Trái Đất và trở thành đài quan sát đóng nhiều vai trò nhất trong lịch sử khám phá vũ trụ của loài người.


Sau 27 năm hoạt động, Hubble đã bay tổng quãng đường hơn 5 tỷ km trên quỹ đạo quanh Trái Đất và chụp hơn 1 triệu tấm ảnh. Những hình ảnh  mà Hubble mang lại cho chúng ta đã giúp các nhà khoa học khám phá thêm rất nhiều thông tin trước đây chưa từng được biết tới về không gian, từ ngay sân nhà của chúng ta như Mặt Trăng cho tới những láng giềng trong Hệ Mặt Trời (các hành tinh, tiểu hành tinh,...) và thậm chí tới tận những thiên hà cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng, ở những thời điểm sớm của vũ trụ.

Những giá trị khoa học mà Hubble mang lại đã thay đổi rất nhiều nhận thức của nhân loại về vũ trụ. Nhưng có lẽ đối với hầu hết mọi người, điều được chú ý nhiều hơn lại chính là vẻ đẹp của những bức ảnh do Hubble chụp được.

Dưới đây là 27 bức ảnh đẹp nhất theo thống kê của tạp chí Astronomy, nhân kỷ niệm 27 năm kính thiên văn không gian Hubble.


1. Những cây cột của Sáng tạo
Đây có lẽ là một trong những hình ảnh được biết tới nhiều nhất của Hubble. Nó ghi hình lại những đám mây khí nhiều màu sắc trong tinh vân Đại bàng (M16).



2. Tinh vân Đại bàng (Eagle Nebula)
Một hình ảnh khác của tinh vân Đại bàng, nhưng không được chụp ở dải sóng biểu kiến như hình ảnh trên mà được chụp ở dải cận hồng ngoại. Những cây cột sáng tạo lúc này không rực rỡ màu sắc mà hoà vào đồng thời có sự tương phản rõ rệt với những ngôi sao xung quanh.





3. Abell 1689
Các nhà khoa học ước tính rằng Abell 1689 có chứa hàng nghìn thiên hà và có khối lượng có thể gấp Mặt Trời của chúng ta tới 500 nghìn tỷ lần. Lượng vật chất này bẻ cong không gian xung quanh gây ra hiệu ứng thấu kính hấp dẫn để chúng ta quan sát những thiên hà xa hơn. Abell 1689 là một cụm thiên hà cách chúng ta khoảng 2,2 tỷ năm ánh sáng, ở hướng của chòm sao Virgo.




4. NGC 1300
Cũng như Milky Way, NGC 1300 là một thiên hà xoắn dạng thanh, với đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng. Trong những thiên hà như vậy, những cách tay xoắn toả ra xung quanh ở hai đầu của dải sao kéo dài.




5. Tinh vân Nón (Cone Nebula)
Những sao lớn ở phía trên của bức ảnh này phát ra bức xạ tử ngoại làm "bào mòn" phần rìa của tinh vân Nón (NGC 2264). Quá trình này giải phóng khí và bức xạ tử ngoại làm cho khí đó phát sáng ra một màu đỏ rất đặc trưng và nổi bật.




6. Tinh vân Đầu ngựa (Horsehead Nebula)
Dưới ánh sáng biểu kiến, đám mây khí và bụi lạnh này rất tối. Nhưng ở dải sóng cận hồng ngoại như trong bức hình bạn thấy ở dưới, tinh vân phát sáng nhờ sự tái bức xạ năng lượng mà khí của nó nhận được từ các sao trẻ trong khu vực.




7. V838 Monocerotis
Tháng 1 năm 2002, ngôi sao mà chúng ta có thể thấy ở trung tâm của hình ảnh này đã bùng cháy trở thành một trong những điểm sáng mạnh mẽ nhất trong thiên hà chúng ta. Hình ảnh này được chụp sau đó hai năm, cho thấy phần bụi tàn dư của vụ bùng phát bao quanh ngôi sao. V838 Monocerotis là một sao biến quang cách chúng ta khoảng 20.000 năm ánh sáng trong khu vực chòm sao Monoceros. Khác với nhiều hiểu nhầm ban đâu, vụ bùng phát của nó không phải một nova hay supernova mà có thể là một vụ bùng nổ hoạt động cuối đời thông thường hoặc một vụ sáp nhập của một cặp sao.




8. Omega Centauri
Đây là cụm sao cầu lớn nhất của Milky Way. Cụm sao này chứa khoảng 10 triệu sao trong một phạm vi hình cầu có đường kính khoảng 150 năm ánh sáng.




9. Tàn dư supernova N49
Đây là một ví dụ cho thấy Hubble có thể cho phép các nhà thiên văn khảo sát thậm chí cả những thứ ở trong một thiên hà khác. Tàn dư của supernova này là những gì còn lại của một ngôi sao lớn đã phát nổ cuối đời, cách chúng ta 160.000 năm áng sáng trong Mây Magellan lớn (LMC) - thiên hà vệ tinh của Milky Way.




10. Tinh vân Carina
Tinh vân này còn được biết tới với kí hiệu là NGC 3372. Nó là một trong những "nhà máy" tạo sao lớn nhất trong thiên hà chúng ta, hình thành cách đây khoảng 3 triệu năm. Bức xạ tử ngoại và gió sao từ các những sao mới hình thành tạo nên một bong bóng khí nóng mở rộng ra xung quanh.




11. Thiên hà Cigar
Thiên hà này còn có tên là M82. Đây là một thiên hà bùng nổ tạo sao với tốc độ tạo sao gấp 10 lần thiên hà Milky Way của chúng ta. Cái tên của nó xuất phát từ hình dạng được chụp lại qua kính Hubble mà chúng ta có thể thấy ở đây - giống như một điếu xì gà.




12. Arp 273
Khi hai thiên hà xoắn tương tác với nhau, các lực triều làm chúng biến dạng. Ở cặp thiên hà này, những cách tay xoắn của thiên hà phía trên bị kéo dài và biến dạng. Những cụm sao sáng màu xanh phía trên cao của bức ảnh cho thấy ánh sáng từ những vụ tạo sao gây ra bởi vụ va chạm.




13. Tinh vân Helix
Tinh vân hành tinh này còn có tên là NGC 7293. Những tinh vân hành tinh thế này là phần còn lại của những ngôi sao cỡ Mặt Trời sao khi chết, phá vỡ và ném ra xung quanh lớp vỏ của chúng. Đây là một trong những bức ảnh được biết tới nhiều nhất của Hubble.




14. Tinh vân Spirograph
Tinh vân này cũng là phần còn lại của một ngôi sao đã chết và phóng ra lớp ngoài của mình thành nhiều lần. Nó còn có ký hiệu là IC 418, còn cái tên Spirograph thì xuất phát từ việc hình dạng của nó khá giống những hoạ tiết được vẽ ra từ những chiếc thước spirograph (loại thước đồ chơi thường dùng để vẽ những hoạ tiết hoa văn đan xen nhau).




15. Tinh vân Eskimo
Các nhà thiên văn đặt cho tinh vân này cái tên như vậy do nó có hình dạng như khuôn mặt của một người Eskimo với trang phục truyền thống của họ. Đây là một tinh vân hành tinh, còn được biết tới với kí hiệu NGC 2392. Nó nằm cách chúng ta 2.870 năm ánh sáng, ở hướng của chòm sao Gemini.




16. Tinh vân Võng mạc (Retina Nebula)
Đây là một tinh vân hành tinh nằm ở gần rìa chòm sao Lupus, cách chúng ta khoảng 2.000 năm ánh sáng. Bức ảnh này đã được xử lý màu sắc để có thể thấy rõ hydro phát sáng ở dải xanh lá cây, oxy có màu xanh da trời và ni tơ màu đỏ.




17. Chữ nhật đỏ (Red Rectangle)
Vật thể này chưa hẳn là một tinh vân hành tinh, nhưng ngôi sao trung tâm của nó đang trong giai đoạn cuối đời và phóng ra ngoài những lớp đầu tiên của nó. Nó nằm cách chúng ta khoảng hơn 2.000 năm ánh sáng, ở hướng của chòm sao Monoceros.




18. NGC 6826
Tinh vân hành tinh này còn được gọi là tinh vân nháy mắt. Khi nhìn qua những kính thiên văn nhỏ, sao lùn trắng ở trung tâm của nó sáng đến mức làm che mờ toàn bộ tinh vân, nhưng khi nhìn chếch về phía rìa của nó (averted vision) thì có thể thấy rõ, khiến tinh vân này giống như một con mắt nhấp nháy. Tinh vân hành tinh này nằm trong khu vực chòm sao Cygnus.



19. Tinh vân Mắt mèo (Cat's eye Nebula)
Khối lượng giải phóng ra từ các sao ở cuối đời không phải luôn theo cùng một dạng nhất định. Tinh vân Mắt mèo (NGC 6543) cho thấy tối thiểu 11 lớp vỏ bao quanh sao lùn trắng ở trung tâm, mỗi lần giải phóng này cách nhau khoảng 1.500 năm. Nhưng 1.000 trước, quá trình này đã thay đổi và những lớp được phóng ra có hình dạng không cụ thể, tạo thành hình dạng như bạn có thể thấy trong hình ảnh này. Tinh vân này nằm ở khoảng cách khoảng 3.300 năm ánh sáng, ở vị trí chòm sao Draco.




20. Tinh vân con kiến (Ant Nebula)
Các nhà thiên văn vẫn còn chưa khẳng định được xem thứ gì gây ra hình dạng đặc biệt này của tinh vân. Có ý kiến cho rằng một sao đồng hành đã quét vật chất của ngôi sao trung tâm ra xung quanh tạo nên hiện tượng này trong khi có giả thuyết lại cho rằng đây là kết quả của từ trường.




21. Cụm sao NGC 602
Những sao trẻ và nóng ở cụm sao này phát ra bức xạ vào khí xung quanh tạo nên hình dạng tuyệt đẹp như trong hình ảnh ở dưới. Cụm sao này không nằm trong thiên hà của chúng ta mà trong một thiên hà vệ tinh của nó là Mây Magellan nhỏ (SLC). Bức ảnh này kết hợp ảnh chụp ở dải sáng biểu kiến với tia X và hồng ngoại.




22. Tinh vân Bức màn (Veil Nebula)
Khoảng 5 đến 10 nghìn năm trước, tổ tiên của chúng ta có lẽ đã chứng kiến một vụ nổ của một ngôi sao lớn trong chòm sao Cygnus. Tàn dư của nó ngày nay trài dài tới 75 năm ánh sáng, giống như một màn khí mỏng khi quan sát qua kính Hubble. Bức ảnh này không chụp toàn bộ tinh vân mà chỉ một phần nhỏ của nó với độ rộng khoảng 1 năm áng sáng.



23. Arp 142
Cũng như Arp 273, cặp thiên hà này bị biến dạng do tác động của các lực triều khi chúng áp sát nhau. Thiên hà ở phía dưới của bức ảnh là NGC 2937 - một thiên hà elip. Nó bị biến dạng bởi thiên hà xoắn NGC 2936 mà bạn có thể nhìn thấy ở phía trên.




24. Thiên hà Sombrero
Thiên hà xoắn khổng lồ này nằm cách chúng ta khoảng 35 triệu năm ánh sáng, ở rìa của cụm thiên hà Virgo. Thiên hà này còn được biết tới với kí hiệu M104 trong bảng danh mục Messier. Nó được đặt cái tên như trên do hình dạng giống như chiếc mũ rộng vành truyền thông của người Mexico (mũ sombrero).




25. Sharpless 2-106
Vườn ươm sao có dạng như chiếc đồng hồ cát này trải rộng 2 năm ánh sáng và nằm chếch 1 độ so với mặt phẳng chính của Milky Way, ở hướng của chòm sao Cygnus. Ngôi sao trẻ ngay phía dưới trung tâm một chút chính là nguyên nhân tạo nên hình dạng này của tinh vân.




26. NGC 4038 và NGC 4039
Cặp thiên hà này đang trong giai đaonj sáp nhập. Vụ va chạm này dẫn tới sự ra đời của hàng tỷ sao mới, hầu hết chúng thuộc về những cụm sao xanh sáng. Hai quầng sáng vàng ở phía trên bên phải và phía dưới thấp bên trái là lõi của hai thiên hà ban đầu. Cặp thiên hà này còn được gọi là Antennae do trong những hình ảnh có góc nhìn rộng hơn, có thể thấy hai dải khí và bụi hướng ra hai bên như cặp râu của côn trùng.




27. Tinh vân Orion
Tinh vân này còn có ký hiệu là M42 trong bảng danh mục Messier. Nó đã quá nổi tiếng đối với không chỉ các nhà thiên văn mà còn cả những người yêu thích thiên văn trên khắp thế giới. Vùng tạo sao này nằm cách Trái Đất 1.500 năm ánh sáng, ở vị trí chòm sao Orion.


VACA

Tham khảo: Astronomy