Space JunkCác nhà khoa học mới đây đã lên lên tiếng cảnh báo về những vấn đề có thể gặp phải khi thực hiện các sứ mệnh không gian, gây ra bởi rác vũ trụ - những mảnh vụn tích tụ từ 6 thập kỷ thám hiểm không gian của loài người.


Theo nội dung một hội nghị tại Đức, trong chưa đầy một phần tư thế kỷ, số lượng những mảnh vụn như vậy trên quỹ đạo quanh Trái Đất với kích thước đủ lớn để phá hủy một tàu không gian đã tăng lên nhiều hơn gấp đôi.

Những mảnh vụn nhỏ đủ để có thể gây ảnh hưởng thậm chí hư hại cho các con tàu rất khó để phát hiện, theo ước tính bây giờ cũng đã lên tới khoảng 150 triệu mảnh.

"Chúng tôi đang rất lo lắng", Rolf Densing, giám đốc điều hành của ESA, kêu gọi sự giúp đỡ trên toàn thế giới để giải quyết vấn đề này. "Vấn đề này chỉ có thể giải quyết một cách toàn cầu."

Di chuyển ở vận tốc lên tới 28.000 km/h, ngay cả những va chạm của những vật thể nhỏ cũng đủ để gây hỏng hóc tới bề mặt của các vệ tinh hay tàu vũ trụ.

Năm 1993, từ các số liệu thống kê, có khoảng 8.000 vật thể nhân tạo di chuyển trên quỹ đạo có kích thước lớn hơn 10 cm, đủ lớn để gây ra các thiệt hại vô cùng thảm khốc - theo Holger Krag, đứng đầu bộ phận chuyên trách về rác vũ trụ của ESA.

"Hiện nay, chúng tôi xác định được gần 5.000 vật thể có kích thước lớn hơn 1 mét, 20.000 vật thể có kích thước trên 10 cm và 750.000 "viên đạn" có kích thước vào khoảng 1 cm," Holger Krag cho biết. "Đối với những vật thể lớn hơn 1 mm chúng tôi ước tính số lượng là 150 triệu."

Các rủi ro về va chạm chỉ là các thống kê, nhưng chúng sẽ tăng lên theo sự gia tăng của rác vũ trụ và số lượng vệ tinh được triển khai.

"Sự gia tăng của các mảnh vụn đã thay đổi chóng mặt so với mức độ trong quá khứ và đang thay đổi theo cấp số nhân", Krag cảnh báo.

Hội nghị tại Darmstadt, được phát sóng trực tuyến, là hội nghị lớn nhất về các mảnh vụn không gian. Các chuyên gia dành 4 ngày để bàn luận về rác vũ trụ và đưa ra các giải pháp nhằm giảm bớt các mảnh vụn này chẳng hạn như đẩy vệ tinh về Trái Đất sau chúng hết thời gian vận hành.


- Mảnh vụn ở khắp nơi -

Krag chỉ ra hai sự kiện đã làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn, để lại nhiều mảnh vụn có nguy cơ tạo ra nhiều rác thải hơn khi những mảnh đó va vào nhau.

Một sự kiện xảy ra tháng 1 năm 2007, khi Trung Quốc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trên một vệ tinh thời tiết cũ.

Sự kiện còn lại xảy ra vào tháng 2 năm 2009, khi vệ tinh viễn thông Iridium và vệ tinh quân sự của Nga, Kosmos-2251, va chạm với nhau.

Nếu có các cảnh báo đầy đủ, các vệ tinh nhân tạo có thể điều chỉnh để tránh va chạm, nhưng điều này sẽ liên quan tới nhiên liệu và ảnh hưởng tới thời gian vận hành của chúng.

ESA nhận được cảnh báo về nguy cơ va chạm đối với 10 vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp của họ hầu như hàng tuần, Krag cho hay. Mỗi vệ tinh phải thực hiện việc tránh va chạm một tới hai lần mỗi năm.

Theo thông tin từ Trạm không gian quốc tế (ISS) do phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet cho biết, trạm được trang bị để bảo vệ khỏi những vật thể kích thước tối đa 1cm.

ISS thường phải thực hiện việc tránh rác vũ trụ, nhưng cần cảnh báo trước tới 24 giờ. Nếu không đủ thời gian, "phi hành đoàn sẽ phải đóng tất cả các cửa sập và vào khu vực trú ẩn an toàn là tàu vũ trụ Soyuz để có thể tách ra khỏi ISS,"  ông nói. "Điều này đã xảy ra 4 lần trong lịch sử của ISS."


- Những bãi rác không gian -

Các chuyên gia chỉ ra 2 khu vực đã trở nên vô cùng phức tạp kể từ những ngày đầu của công cuộc chinh phục không gian năm 1957.

Khu vực thứ nhất nằm ở quỹ đạo tầm thấp, khoảng 2.000 km tính từ mặt đất, bao gồm các vệ tinh định vị toàn cầu, Tram không gian quốc tế ISS, các sứ mệnh thực hiện bởi Trung Quốc, kính thiên văn không gian Hubble và những nhiệm vụ khác.

Khu vực còn lại nằm ở quỹ đạo địa tĩnh, tại độ cao khoảng 35.000 km, bao gồm vệ tinh viễn thông, thời tiết và vệ tinh giám sát.

Những rác thải không gian bao gồm từ những thùng nhiên liệu và những vệ tinh hạt nhân từ thời Liên Xô, thải ra những chất làm mát natri và kali và cả những dụng cụ, linh kiện do các nhà du hành thải ra.

Trong những mảnh vụn không gian này, có cả một tấm chắn dài tới 1,5 met đang trôi dạt đâu đó sau khi bị văng ra trong quá trình lắp đặt ở ISS hôm 30 tháng 3 vừa rồi. Tấm chắn này đã mất tích trong quỹ đạo thâos và cuối cùng sẽ lao vào khí quyển Trái Đất và bốc cháy.

Trần Hữu Phú Cường
Theo Space Daily