enceladus vacaNăm 1977, một nhóm các nhà nghiên cứu biển đã phát hiện ra một thứ mà trước đây họ chỉ mới giả định: các vết nứt dưới đáy dại dương đang tỏa nhiệt, làm nóng (thường làm sôi) vùng nước xung quanh nó. Họ cũng tìm thấy các nhuyễn thể trong đó, và tiếp theo, các lỗ thông đã mang lại những vi khuẩn kháng nhiệt, những con sâu ống khổng lồ, và những sinh vật tuyệt vời, hầu hết nhỏ bé, sống trong những núi lửa dưới nước.


Giờ đây, NASA đã công bố họ có bằng chức gián tiếp cho thấy các lỗ thông thủy nhiệt ở ngoài Trái Đất. Trong cuộc gặp gỡ với vệ tinh Enceladus của Sao Thổ, tàu không gian Cassini đã tìm thấy những hóa chất liên quan tới các sự kiện này. Kết quả này đã được công bố trên tạp chí Science. Nó đã bổ sung vào các bằng chứng cho thấy Enceladus có thể có điều kiện tồn tại sự sống.

“Enceladus quá nhỏ để giữ lại được hydro khi nó được hình thành, do đó hydro mà chúng ta thấy ngày nay đến từ bên trong Enceladus” Linda Spilker, một nhà khoa học trong dự án Cassini cho biết.

Enceladus là một vệ tinh nhỏ bé. Nó đã khiến các nhà nghiên cứu của nhiệm vụ Cassini ngạc nhiên khi phát hiện ra các mạch nước phun ra từ cực Nam hồi năm 2005. Các cuộc điều tra sau đó đã vẽ nên một bức tranh về nguồn gốc của thứ này, đó là nước lỏng dưới bề mặt Enceladus, dẫn tới ý tưởng về một đại dương nằm toàn bộ dưới bề mặt vệ tinh này. Tới nay, cơ chế sinh nhiệt vẫn chưa được phát hiện.

Khối phổ kế ion và trung hoà (Ion and Neutral Mass Spectrometer - INMS) trên tàu không gian đã thực hiện quan sát hydro phân tử trong vật chất từ các mạch nước phun trào. Theo nhà nghiên cứu chính Hunter Waite của Viện nghiên cứu Tây Nam và các cộng sự của ông, nguồn gốc chủ yếu chắc chắn từ các lỗ thông thủy nhiệt nằm dưới đáy biển của Enceladus. Điều này có nghĩa là Enceladus có rất nhiều hoạt động địa chất, tăng cơ hội cho sự sống tồn tại.

Thực tế, các nhà nghiên cứu đã công bố một bài viết vào năm ngoái, cho thấy các lỗ thông thủy nhiệt chính là nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất, nơi các phản ứng hóa học nuôi dưỡng các vi khuẩn sơ khai. Nếu đó cũng là trường hợp của Enceladus, ít nhất đại dương của nó có thể có sự tồn tại của vi khuẩn.

“Hydro có thể là một nguồn năng lượng hóa học tiềm năng cho bất cứ vi khuẩn sống nào trong đại dương của Enceladus” Spilker cho biết thêm.

Tất nhiên có thể vài năm hay thậm chí vài thập kỷ nữa, chúng ta mới có thể biết chắc chắc. Tháng 9 tới đây, NASA sẽ cố ý làm Cassini lao vào Sao Thổ, để chắc chắn là nó không đâm vào Titan hay Enceladus, dẫn tới vô tình gây ô nhiễm 2 vệ tinh mà vi khuẩn trên Trái Đất có khả năng tồn tại.

L.C
Theo Astronomy