Các nhà thiên văn học sử dụng Kính thiên văn không gian Kepler của NASA đã tìm thấy một hành tinh cách chúng ta 219 năm ánh sáng, có vẻ như hành tinh này là họ hàng gần của Sao Kim. Thiên thể mới được khám phá này chỉ lớn hơn Trái Đất một chút và chuyển động quanh một ngôi sao có nhiệt độ thấp gọi là Kepler-1649, có đường kính bằng một phần năm đường kính Mặt Trời.



Hành tinh này ở rất gần sao mẹ mờ nhạt của nó, với chu kỳ quĩ đạo là 9 ngày. Quĩ đạo hẹp như vậy khiến cho bức xạ từ sao mẹ đến hành tinh này nhiều gấp 2,3 lần so với bức xạ từ Mặt Trời tới Trái Đất. Để so sánh, lượng ánh sáng Mặt Trời tới Sao Kim bằng 1,9 lần so với Trái Đất.

Khám phá này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về tính chất của các hành tinh chuyển động quanh các sao lùn M – loại sao phổ biến nhất trong vũ trụ tính tới nay. Trong khi các sao loại này đỏ và mờ hơn so với Mặt Trời, các ngoại hành tinh được khám phá gần đây đã cho thấy những trường hợp trong đó các hành tinh có kích thước Trái Đất chuyển động quanh một sao lùn M có khả năng nằm trong vùng sống được của sao. Nhưng những thế giới như thế có thể không giống với Trái Đất, nhất là về khí hậu. Chúng có thể chỉ giống như Sao Kim, với bầu khí quyển dày và nhiệt độ nóng bỏng.

Theo  Isabel Angelo - nhà khoa học thuộc Viện SETI, nghiên cứu về các hành tinh tương tự Sao Kim như Kepler-1649b “đang ngày càng trở nên quan trọng trong việc hiểu về ranh giới vùng sống được của các sao lùn M."

"Có nhiều yếu tố như sự dao động của sao và các tác động thủy triều khiến cho các hành tinh này khác với các hành tinh có kích cỡ Trái Đất chuyển động quanh các sao như Mặt Trời.” - Angelo nói.

Người ta vẫn thường nói rằng Sao Kim là hành tinh “chị em” của Trái Đất, nhưng trong nhiều mặt, chúng không thực sự là “chị em ruột”. Mặc dù nó có cùng kích thước với Trái Đất và chỉ gần Mặt Trời hơn khoảng 40%, bầu khí quyển và nhiệt độ bề mặt của nó khác xa so với hành tinh của chúng ta. Nếu chúng ta muốn tìm ra sự sống trên các hành tinh cỡ Trái Đất, chúng ta nên hiểu về chính hành tinh gần chúng ta nhất này.

Elisa Quintana thuộc Viện SETI và Trung tâm Hàng không Không gian Goddard của NASA, đồng thời là thành viên trong nhóm phát hiện Kepler 1649b, cho biết: “Nhiều người mong muốn tìm ra các Trái Đất khác. Nhưng các hành tinh tương tự Sao Kim cũng không kém phần quan trọng”.

“Khi những chiếc kính thiên văn mới có thể nhìn sâu hơn, chúng tôi sẽ có thể thăm dò bầu khí quyển, tập trung vào các hành tinh tương tự Trái Đất và Sao Kim. Điều đó có thể giúp giải mã lí do Hệ Mặt Trời của chúng ta chỉ có một hành tinh đủ điều kiện để sự sống phát triển mạnh mẽ, trong khi một hành tinh khác tương tự về cả khối lượng, mật độ… thì lại không có các điều kiện đó.”

L.C
Theo Space Daily