Một khác biệt lớn giữa tiểu hành tinh và sao chổi thường được biết tới là các sao chổi băng có thể có đuôi trong khi tiểu hành tinh thì không có. Điều đó cần được xem lại bởi phát hiện gần đây về một số tiểu hành tinh đặc biệt đã xuất hiện đuôi sáng.

 

Các nhà thiên văn học quan tâm tới những tiểu hành tinh đặc biệt này không chỉ vì chúng bị vỡ làm hai, mà còn bởi một số tiều hành tinh như vậy có sự xuất hiện của đuôi.

Cặp tiểu hành tinh mà các nhà thiên văn học quan tâm nhất là P/2016 J1. Fernando Moreno, nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý thiên văn Andalusia (Tây Ban Nha), phát biểu trong một họp báo: "Các kết quả thu được từ sự biến đổi quỹ đạo cho thấy tiểu hành tinh đã bị phân mảnh từ khoàng 6 năm trước, có nghĩa nó là cặp tiểu hành tinh trẻ nhất từng được biết tới trong Hệ Mặt Trời."

Bên cạnh việc là cặp tiểu hành tinh trẻ nhất, P2016 J1 còn có một đặc điểm hết sức đáng chú ý đối với các nhà thiên văn học.

Moreno nói: "Cả hai mảnh của tiểu hành tinh đều có cấu trúc bụi tương tự như của các sao chổi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi quan sát được một cặp tiểu hành tinh mà cả hai đều có hoạt động này."

Các nghiên cứu cho thấy các cặp tiểu hành tinh xuất hiện hoạt động này vào thời điểm gần Mặt Trời nhất trong quỹ đạo và sẽ giữ trạng thái đó trong khoảng 6 đến 9 tháng.

Moreno cho rằng cấu trúc bụi này gây ra bởi "sự thăng hoa của băng bị phơi ra sau khi phân mảnh."

Các cặp tiểu hành tinh khá phổ biến trong vành đai tiểu hành tinh, Các cặp này được tạo thành khi một tiểu hành tinh vỡ làm hai mảnh, có thể do va chạm, do quay quá nhanh và trong một số trường hợp là hai tiểu hành tinh gây mất ổn định quỹ đạo ban đầu của nhau.

Mặc dù các cặp không liên kết hấp dẫn với nhau, chúng có quỹ đạo tương tự nhau quanh Mặt Trời. Các cặp di chuyển theo quĩ đạo gần tròn giữa quĩ đạo của Sao Hỏa và Sao Mộc, vậy nên chúng không trải qua sự thay đổi nhiệt độ lớn để có thể tạo thành đuôi như sao chổi. Mới chỉ có khoảng 20 trường hợp được ghi nhận rằng một cặp tiểu hành tinh có sự phát sáng và phát triển đuôi bụi, các tiểu hành tinh như vậy đôi khi được gọi là các "sao chổi của vành đai chính".

L.C
Theo Astronomy