Các hệ mặt trời khác cũng có thể có những vành đai các thiên thể băng, giống như vành đai Kuiper của chúng ta.

 

Ở các hệ sao lùn trắng, các mảnh thiên thể bị rơi vào trong hệ là khá phổ biến. Khoảng từ 25 đến 50% các sao lùn trắng cho thấy bằng chứng của “sự ô nhiễm” đến từ các thiên thể đá như tiểu hành tinh và thậm chí là các hành tinh khi chúng bị nuốt bởi sao lùn trắng. Tuy nhiên một quan sát được công bố gần đây lần đầu tiên cho thấy những thiên thể rơi vào trong hệ có chứa các thành phần giống như thành phần của sao chổi, chẳng hạn như băng. Khám phá này được thực hiện bởi các nhà thiên văn dẫn đầu bởi Siyi Xu tại đài thiên văn Nam bán cầu của châu Âu ở Garching, Đức. Đối tượng được nghiên cứu là sao lùn trắng WD 1425+540, cách chúng ta 170 năm ánh sáng, trong một hệ sao kép nằm ở khu vực chòm sao Boötes. Bạn đồng hành của nó là một sao lùn loại K, hai ngôi sao cách nhau một khoảng bằng khoảng 2000 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời.

Thiên thể đang rơi vào sao lùn trắng mà các nhà thiên văn theo dõi được tạo nên bởi thành phần hóa học tương tự nhưng có khối lượng lớn gấp 100 nghìn lần và chứa nhiều nước hơn nhiều so với sao chổi Halley. Nó cũng chứa nitơ, cacbon, oxy và lưu huỳnh. Trên thực tế, ”Đối tượng đặc biệt này khá giàu nitơ, nhiều hơn so với bất cứ thiên thể nào được quan sát trong Hệ Mặt Trời chúng ta.” Xu cho biết.

Khám phá này được thực hiện bằng việc sử dụng các kết quả quan sát từ Kính thiên văn không gian Hubble và Đài thiên văn W.M. Keck, nó cung cấp các quan sát bổ sung cho phép xác định các nguyên tố trong khí quyển của sao lùn trắng. Khám phá này là khá thú vị bởi nó cung cấp bằng chứng rằng sao lùn trắng này không chỉ có một vành vật chất bên ngoài, như vành đai Kuiper của Hệ Mặt Trời chúng ta, mà vành đai này đã sống sót qua quá trình tiến hóa của ngôi sao từ một sao thuộc dãy chính đến khi chỉ còn là một khối tàn dư nhỏ và lạnh. Việc những thiên thể băng đó đang rơi vào sao lùn trắng cũng gợi ý rằng có khả năng có những hành tinh nhóm ngoài còn sống sót đã làm xáo trộn quỹ đạo và ném các đối tượng xa này vào bên trong hệ. Tuy nhiên điều này cũng có thể được gây ra bởi ngôi sao đồng hành của sao lùn trắng.

Cho dù nguyên nhân các đối tượng trong vành rơi vào trong hệ là gì, lượng nitơ cao chứa trong chúng cũng là một thông tin quý giá. Xu giải thích “Chúng ta đều biết nitơ là một nguyên tố rất quan trọng cho sự sống.” Cho nên cũng có thể hệ sao lùn trắng này có thể đã từng chứa các hành tinh giàu các nguyên tố cần thiết cho sự sống giống như Trái Đất.

Một khi Mặt Trời của chúng ta cạn kiệt năng lượng hạt nhân, nó sẽ kết thúc cuộc đời của mình và trở thành một sao lùn trắng. Các sao lùn trắng là những tàn dư của những sao như Mặt Trời, có kích thước cỡ Trái Đất nhưng đặc hơn hàng trăm nghìn lần. Bởi khi các ngôi sao như Mặt Trời chết đi sẽ để lại sao lùn trắng, cho nên nghiên cứu sao lùn trắng và những vật chất còn lại của hệ đó sẽ làm sáng tỏ thêm về các hệ mặt trời như chúng ta, cũng như tương lai mà Hệ Mặt Trời chúng ta phải đối mặt.

Gia Linh

Theo Astronomy