Một nhóm nghiên cứu quốc tế đứng đầu bởi các nhà khoa học ở Đại học Nagoya (Nhật Bản) cùng các đồng nghiệp người Mỹ và Thụy Sĩ đã xác định được một sự kiện mới của Mặt Trời xảy ra vào năm 5480 trước CN.

 

Họ đã thực hiện được việc này qua việc đo lượng đồng vị carbon 14 trong các vòng cây, đây là thứ phản ánh hiệu ứng của bức xạ vũ trụ đối với khí quyển của chúng ta thời điểm đó. Họ cũng đã đề xuất nguyên nhân của sự kiện này, qua đó mở rộng hiểu biết của chúng ta về hoạt động của Mặt Trời.

Khi hoạt động của Mặt Trời thay đổi, nó tác động trực tiếp tới Trái Đất. Chẳng hạn, khi Mặt Trời hoạt động yếu, lượng carbon 14 tăng lên trong khí quyển Trái Đất. Vì carbon trong không khí bị hấp thụ bởi cây cối, lượng carbon 14 trong các vòng cây trên thực tế phản ánh hoạt động của Mặt Trời và những sự kiện bất thường của nó trong quá khứ. Nhóm nghiên cứu đã xác định được hiện tượng này bằng cách phân tích một mẫu từ một cây thông bristlecone - loại thực vật có thể sống hàng nghìn năm - để từ đó nhìn sâu vào lịch sử của Mặt Trời.

"Chúng tôi đã đo mức carbon 14 trong mẫu thông ở ba phòng thí nghiệm khác nhau tại Nhật, Mỹ và Thụy Sĩ để đảm bảo độ tin cậy của kết quả chúng tôi thu được," A. J. Timothy Jull ở Đại học Arizone cho biết. "Chúng tôi đã tìm thấy một sự thay đổi trong carbon 14 đột ngột hơn bất cứ phát hiện nào trước đây, trừ những sự kiện tia vũ trụ xảy ra vào năm 775 và năm 994 sau CN, và việc sử dụng dữ liệu theo năm chứ không phải theo thập kỷ cho phép chúng tôi xác định chính xác thời điểm việc này xảy ra."

Nhóm nghiên cứu đã có gắng phát triển một cách giải thích cho dữ liệu bất thường về hoạt động của Mặt Trời bằng cách so sánh sự biến đổi của mức carbon 14 so với những sự kiện khác đã xảy ra trong vài thiên niên kỷ qua đã được biết tới.

"Mặc dù sự kiện mới khám phá này dữ dội hơn những khám phá trước đây, việc so sánh carbon 14 có thể giúp chúng tôi tìm ra thứ đã xảy ra với Mặt Trời vào thời điểm đó," Fusa Miyake ở Đại học Nagoya nói. "Chúng tôi nghĩ rằng một thay đổi trong hoạt động từ trường của Mặt Trời cùng với một chuỗi các vụ bùng nổ lớn, hay việc hoạt động rất yếu của Mặt Trời, có thể đã gây ra dữ liệu bất thường ở các vòng cây này."

Mặc dù hiểu biết còn nghèo nàn về cơ chế đằng sau hoạt động bất thường của Mặt Trời đã cản trở những nỗ lực giải thích dứt điểm của nhóm nghiên cứu, họ hi vọng rằng những nghiên cứu bổ sung như những phát hiện về các quầng lửa của các sao tương tự Mặt Trời qua kính thiên văn có thể dẫn tới một lời giải thích chính xác cho hiện tượng này.

Tuấn Phong
Theo Science Daily