Cứ vài nghìn năm, một ngôi sao kém may mắn lại di chuyển tới quá gần lỗ đen ở trung tâm thiên hà Milky Way. Hấp dẫn mạnh mẽ từ lỗ đen xé rách ngôi sao, ném ra một dải khí trải dài ra phía ngoài. Dường như đó đã là hồi kết của câu chuyện. Nhưng không! Một nghiên cứu mới cho thấy khí này không những chỉ tạo thành những vật thể có kích thước của các hành tinh mà những thiên thể đó còn được ném đi trong thiên hà.

 

"Một ngôi sao bị xé vụn có thể tạo ra hàng trăm thiên thể cỡ hành tinh. Chúng tôi tự hỏi: Chúng sẽ đi tới đâu? Chúng tới gần chúng ta tới mức nào? Chúng tôi đã phát triển một mô hình máy tính để trả lời những câu hỏi này," trưởng nhóm tác giả của nghiên cứu là Eden Girma, sinh viên Đại học Harvard đồng thời là thành viên của Viện Banneker/Aztlan cho biết.

Các tính toán của cô cho thấy thiên thể cỡ hành tinh như vậy gần nhất chỉ cách Trái Đất khoảng vài trăm năm ánh sáng. Khối lượng của nó có thể từ cỡ Sao Hải Vương cho tới vài lần Sao Mộc. Nó cũng có thể phát sáng nhờ nhiệt độ từ quá trình hình thành, mặc dù không đủ sáng để có thể xác định được qua các khảo sát trước đây. Những công cụ trong tương lại như Kính thiên văn khảo sát khái quát lớn (LSST) và kính thiên văn không gian James Webb sẽ có thể phát hiện những thiên thể kì lạ và xa xôi này.

Girma cũng tìm ra rằng phần lớn các thiên thể cỡ hành tinh này (95%) sẽ rời khỏi thiên hà bởi vận tốc lên tới 10.000 km/s của chúng. Vì hầu hết các thiên hà khác cũng có một lỗ đen khổng lồ ở trung tâm của chúng, điều đó có nghĩa là việc tương tự cũng xảy ra ở những nơi đó.

"Các thiên hà khác như Andromeda liên tục bắn ra những quả 'spitball' này về phía chúng ta," cho biết của đồng tác giả James Guillochon tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (CfA).

Mặc dù chúng có thể có kích thước cỡ hành tinh, những thiên thể này rất khác các hành tinh thông thường. Chúng được tạo thành từ vật chất của sao, và vì chúng phát triển từ những phần khác nhau của ngôi sao ban đầu, thành phần của chúng có thể khác nhau.

Chúng cũng có thể hình thành nhanh hơn một hành tinh thông thường. Chỉ mất một ngày để lỗ đen xé rách ngôi sao (một quá trình được gọi là gián đoạn triều), và khoảng một năm để những mảnh vụn kéo nhau lại. Điều này hoàn toàn trái ngược với việc cần tới hàng triệu năm để tạo thành một hành tinh cỡ Sao Mộc.

Từ khi được ném ra, các thiên thể này mất khoảng 1 triệu năm để tới khu vực lân cận của Trái Đất. Thách thức ở đây là làm sao phân biệt được chúng với các hành tinh trôi nổi tự do trong thiên hà vốn được tạo thành từ quá trình hình thành thông thường của sao và hành tinh.

"Chỉ có khoảng một phần nghìn số hành tinh trôi tự do là loại thiên thể này," Girma bổ sung.

Bryan
Theo Science Daily