Ngoài những thông số vật lý rõ ràng mà độc giả có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi, Mặt Trời và các hành tinh, vệ tinh... của nó còn rất nhiều điểm đặc biệt thú vị. Dưới đây là một số điều đặc biệt về Hệ Mặt Trời mà có thể nhiều người còn chưa biết.

 

 

1. Mặt Trời chiếm 99,8% tổng khối lượng của Hệ

Chúng ta đều biết Mặt Trời là ngôi sao trung tâm, có kích thước và khối lượng lớn hơn hẳn các hành tinh. Nhưng có lẽ ít người biết rằng Mặt Trời áp đảo tới mức nó chiếm tới 99,8% tổng khối lượng của Hệ Mặt Trời , chỉ có 0,2% còn lại chia cho tất cả các thành phần còn lại bao gồm các hành tinh, hành tinh lùn, tiểu hành tinh, vệ tinh, sao chổi, thiên thạch, khí và bụi...

 

2. Sự ... giảm cân của Mặt Trời

Gió Mặt Trời (dòng hạt mang điện phóng ra từ Mặt Trời) khiến Mặt Trời mất đi khối lượng với một tốc độ không hề nhỏ, khoảng 1 tỷ kg mỗi giây.
Tuy nhiên, bạn cũng nên biết rằng khối lượng của Mặt Trời là khoảng 1,99 x 10^30 kg, vậy nên nếu làm thử một phép chia bạn sẽ thấy yên tâm rằng có sống đến hàng trăm tỷ năm nữa Mặt Trời cũng chẳng ... giảm cân được bao nhiêu cả, trong khi theo tính toán hiện nay thì nó chỉ có thể sống thêm khoảng 5 tỷ năm nữa.


3. Mặt Trời có thể giết chết bạn từ rất xa

Mặt Trời (cũng như các ngôi sao khác) cháy sáng nhờ phản ứng kết hợp hạt nhân (nhiệt hạch) xảy ra ở trong lòng của nó. Chúng ta cách Mặt Trời khoảng 150 triệu km, và Mặt Trời sưởi ấm chúng ta, mang lại cho chúng ta sự sống. Nhưng bạn có biết, với nhiệt lượng tỏa ra từ phản ứng nhiệt hạch trong lòng ngôi sao này, khi tới gần, chỉ cần một mẩu vật chất (khí) nhỏ bằng một mũi kim từ Mặt Trời sẽ giết chết bạn bởi bức xạ của nó từ khi bạn còn cách tới 145km.


4. Sao Thổ đủ nhẹ để có thể nổi trên nước

Sao Thổ  là hành tinh nhẹ nhất với thành phần toàn khí. Khối lượng riêng trung bình của hành tinh này là 0,687 g/cm3. Như vậy có nghĩa là nếu như trên một hành tinh khổng lồ nào đó có một bể mặt nước, hay là một đại dương đủ lớn để đặt Sao Thổ vào thì nó sẽ nổi lên trên mặt nước.


5. Vành đai chính của Sao Thổ mỏng đến khó tin

Với đường kính khoảng 300.000km, vành đai chính của hành tinh này có độ dày chỉ khoảng 10m. Nó gồm hầu hết là nước đá với các hạt gồm nhiều kích thước từ 1cm đến 10m. Xét về mặt tỷ lệ (giữa độ dày và đường kính), đây thực sự là cấu trúc mỏng nhất từng được quan sát ngoài không gian.


6. Vết Đỏ Lớn lớn hơn Trái Đất nhiều

Vết Đỏ Lớn của Sao Mộc (Great Red Spot) là một cơn bão khủng khiếp với kích thước hai chiều khi nhìn từ trên xuống là 24-40.000km x 12-14.000km. Có nghĩa là nó có thể đặt gọn trong đó 2 hoặc 3 hành tinh cỡ Trái Đất. Bạn có thể thấy vết đỏ lớn này khi quan sát Sao Mộc qua các kính thiên văn nghiệp dư.


7. Sao Thiên Vương lăn ngang trên quỹ đạo

Sao Thiên Vương có trục tự quay gần như nằm ngang so với các hành tinh khác. Nó giống như một quả bóng lăn trên quỹ đạo. Đây cũng là hành tinh duy nhất trong số 7 hành tinh của Hệ Mặt Trời (không tính Trái Đất) được đặt tên theo thần thoại Hy Lạp (Uranus).


8. Hành tinh nóng nhất

Mặc dù Sao Thuỷ ở gần Mặt Trời nhất, nhưng Sao Kim mới là hành tinh có nhiệt độ bề mặt cao nhất do hiệu ứng nhà kính gây ra bởi khí quyển dày của nó. Nhiệt độ bề mặt của nó vào ban ngày có thể lên 462 độ C, trong khi ở Sao Thuỷ nhiệt độ bề mặt tối đa chỉ tới 427 độ C. Cả hai nhiệt độ này đều đủ để ... rán chín một quả trứng chỉ trong vài giây. Do đó mặc dù có rất nhiều đặc điểm vật lý giống với Trái Đất nhưng chỉ riêng nhiệt độ thì Sao Kim đã không thể đáp ứng cho sự sống tồn tại. Sao Kim cũng là hành tinh duy nhất có chiều tự quay ngược với các hành tinh còn lại của Hệ Mặt Trời.


9. Đỉnh núi cao nhất Hệ Mặt Trời nằm ở Sao Hoả

Điều này khá thú vị vì Sao Hoả là hành tinh nhỏ thứ hai của Hệ Mặt Trời. Đỉnh Olympus trên Sao Hỏa có độ cao là khoảng 22 km, tức là cao hơn rất nhiều so với cả Mauna Kea và Everest trên Trái Đất. Chân núi tại điểm dài nhất trải rộng ra hơn 550km, có nghĩa là khi bạn đứng ở một bên thì chân núi phía bên kia không chỉ không thể nhìn thấy vì quá xa, mà nó còn bị khuất phía dưới đường chân trời của hành tinh này.


10. Kích thước của Hệ Mặt Trời

Nếu bạn có một chiếc xe có thể đi lên bầu trời và cứ thẳng tiến, với tốc độ 100km/h (tốc độ phổ biến trên các đường cao tốc) và xe chạy liên tục không ngừng nghỉ, không cần tiếp nhiên liệu, bạn sẽ mất
- Gần một giờ để ra khỏi khí quyển Trái Đất, tới không gian ngoài vũ trụ
- Gần 6 tháng để tới được Mặt Trăng
- 180 năm để tới được Mặt Trời
- Khoảng 757 năm để tới được Sao Mộc (khi nó gần Trái Đất nhất)
- Hơn 5.000 năm để tới được Sao Hải Vương
- Hơn 10 triệu năm để tới được những nơi xa nhất thuộc mây Oort đã được biết tới
- 50 triệu năm để tới được ngôi sao gần Hệ Mặt Trời nhất (với ánh sáng, thời gian tới được nơi đó là khoảng 4 năm)

 

Đặng Vũ Tuấn Sơn