Năm năm trước, giải Nobel vật lý đá được trao cho ba nhà thiên văn vì khám phá vào cuối những năm 1990 về việc vũ trụ đang giãn nở gia tốc. Một nghiên cứu mới đã mang lại nghi vấn về điều này.

Kết luận về sự giãn nở gia tốc của vũ trụ dựa trên phân tích các supernova loại Ia - vụ nổ ngoạn mục của các ngôi sao chết - được ghi nhận bởi kính thiên văn không gian Hubble và nhiều kính mặt đất lớn khác. Nó dẫn tới sự chấp nhận rộng rãi ý tưởng rằng vũ trụ bị chi phối bởi một thứ bí ẩn gọi là năng lượng tối, dẫn tới sự giãn nở gia tốc.

Giờ đây, một nhóm các nhà khoa học đứng đầu bởi giáo sư Subir Sarkar của khoa vật lý đại học Oxford đã đưa ra nghi vấn về mệnh đề cơ bản của vũ trụ học này. Sử dụng một dữ liệu khổng lồ, một danh mục 740 supernova loại Ia, tức là gấp 10 lần số lượng sử dụng trong nghiên cứu trước, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy sự gia tốc có thể không rõ ràng như trước đây. Dữ liệu cho thấy tốc độ giãn nở của vũ trụ là không đổi.

Giáo sư Sarkar, người đồng thời đang giữ một vị trí tại Viện Niels Bohr ở Copenhagen, nói: "Khám phá về sự giãn nở gia tốc của vũ trụ đã giành giải Nobel, giải vũ trụ học Gruber và giải Đột phá trong vật lý cơ bản. Nó dẫn tới sự chấp nhận rộng rãi về việc vũ trụ bị chi phối bởi năng lượng tối. Tuy nhiên, giờ đây có một dữ liệu lớn hơn nhiều về supernova để thực hiện các phân tích và thống kê chặt chẽ. Chúng tôi đã phân tích danh mục mới nhất gồm 740 supernova - gấp hơn 10 lần số lượng mẫu mà khám phá trước đây đã dùng. Qua đó chúng tôi tìm thấy bằng chứng rằng sự giãn nở gia tốc gần chưa đạt tới tiêu chuẩn vốn được yêu cầu để xác nhận một nghiên cứu cơ bản."

Có những dữ liệu khác ủng hộ ý tưởng về vũ trụ gia tốc, chẳng hạn như thông tin về nền vi ba vũ trụ thu được từ vệ tinh Planck. Tuy nhiên, giáo sư Sarkar nói: "Toàn bộ các thử nghiệm này là gián tiếp, được thực hiện trong khuôn khổ của một mô hình giả định, và nền vi ba vũ trụ không chịu tác động trực tiếp của năng lượng tối."

"Vì vậy, rất có thể chúng ta đã sai lầm và sự tồn tại của năng lượng tối chỉ là hệ quả của việc phân tích một mô hình lý thuyết quá đơn giản đã được xây dựng từ những năm 1930, trước rất lâu khi có dữ liệu thực tế. Một khung lý thuyết phức tạp hơn nằm ở các quan sát cho thấy vũ trụ có thể là không đồng nhất và vật chất của nó không hề hoạt động như một khí lý tưởng - hai mệnh đề cơ bản của vũ trụ học. Điều đó có thể giải thích cho mọi quan sát mà không cần tới năng lượng tối. Thật vậy, năng lượng chân không là thứ mà chúng ta hoàn toàn không hiểu gì về nó ở khía cạnh lý thuyết cơ bản."

Ông nói thêm: "Một cách tự nhiên, rất nhiều nghiên cứu sẽ là cần thiết để thuyết phục cộng đồng vật lý về điều này, nhưng nghiên cứu của chúng tôi phục vụ việc chứng mình sự lung lay của một trụ cột của vật lý. Hi vọng rằng sẽ có những phân tích chi tiết hơn dữ liệu vũ trụ học, cũng như những nhà lý thuyết sẽ có đủ hứng thú để điều tra chi tiết hơn các mô hình vũ trụ. Tiến bộ đáng kể sẽ có khi Kính thiên văn siêu lớn của châu Âu (EELT) thực hiện các quan sát laser cực nhạy để đo chính xác tốc độ giãn nở của vũ trụ trong giai đoạn liên tục 15 năm."

Bryan
Theo Scoence Daily