Sao Hoả, hành tinh thứ tư của Mặt Trời, đã thực sự trở thành một nghĩa địa của các thiết bị đổ bộ và thăm dò khi chúng được gửi tới bề mặt của nó từ người láng giềng là Trái Đất của chúng ta.

 

Mỹ là nước duy nhất đã vận hành thành công thiết bị thăm dò trên Hành tinh đỏ với tổng cộng bốn thiết bị thăm dò đang hoạt động và chỉ bị mất một thiết bị đổ bộ duy nhất.

Liên Xô trước đây đã thất bại liên tiếp, trong khi thiết bị thăm dò đầu tiên của Nga hiện nay sẽ là một phần liên kết trong chương trình của châu Âu có tên là ExoMars.

Nếu dữ liệu cho thấy thiết bị đổ bộ Schiaparelli của châu Âu cũng thất bại thì đây sẽ là thấy bại thứ hai của châu Âu trong 13 năm qua.

Nhìn chung, gần một nửa số dự án đưa các thiết bị đổ bộ vào Sao Hoả suốt từ những năm 1960 tới nay đều mang lại sự thất vọng.

Dưới đây là tóm tắt về những chương trình thất bại đối với Sao Hoả

1. Liên Xô - Nga

Liên Xô là quốc gia đầu tiên có dự định cho tàu không gian đáp xuống Sao Hoả. Thất bại đầu tiên của họ là năm 1962 khi mà lỗi xảy ra ngay trong quá trình phóng (thiết bị không hề ra được khỏi Trái Đất). Tiếp sau đó năm 1971, thiết bị đổ bộ Mars 2 của họ cũng thất bại và trở thành rác nhân tạo đầu tiên trên bề mặt Sao Hoả. Không tới một tuần sau, Mars 3 trở thành thiết bị đầu tiên của con người hạ cánh an toàn xuống bề mặt Sao Hoả, tuy nhiên liên lạc bị đứt sau chỉ vài giây ngắn ngủi và như vậy thiết bị này không hề di chuyển được chút nào trên bề mặt hành tinh, dự án đó cũng bị coi là thất bại.

Moscow tiếp tục nuôi tham vọng này với Mars 6 và Mars 7 năm 1973, nhưng Mars 6 cũng mất liên lạc ngay khi chạm bề mặt hành tinh, còn Mars 7 thậm chí không cả đi vào được khí quyển hành tinh này.

2, Mỹ

Hơn một thập kỷ sau chương trình của Liên Xô, Mỹ đã thành công với việc Viking 1 và Viking 2 hạ cánh xuống Hành tinh đỏ năm 1975.

Đến năm 1996, thiết bị thăm dò Mars Pathfinder đã hạ cánh thành công, trở thành robot đầu tiên được con người vận hành ở ngoài phạm vi của Trái Đất và Mặt Trăng. Thất bại duy nhất của Mỹ là vào năm 1999, Mars Polar Lander đã hạ cánh không thành công.

Ba robot nữa đã được Mỹ đưa thành công tới Sao Hoả trong thế kỷ này là Spirit và Opportunity năm 2003, và Curiosity năm 2011. Cho tới thời điểm này, Opportunity và Curiosity vẫn đang tiếp tục dạo bước trên bề mặt hành tinh này.

3, Liên minh châu Âu (EU)

Thiết bị thăm dù đầu tiên của EU được gửi tới Sao Hoả là Beagle 2 do Anh chế tạo. Nó mất tích không một dấu vết ngay sau khi tách khỏi tàu mẹ Mars Express vào năm 2003. Một bức ảnh của NASA năm ngoái cuối cùng đã cho thấy thiết bị này đã đáp xuống bề mặt hành tinh, nhưng tấm pin Mặt Trời của nó đã hỏng nên không thể phục hồi năng lượng và cũng không liên lạc được.

Các nhà khoa học của ESA đang cố gắng để thực hiện thành công việc vận hành Schiaparelli, một thiết bị đổ bộ đã phóng hồi tháng ba để thử nghiệm trước cho một robot được dự định sẽ được đưa lên vào năm 2020.

Schiaparelli đã tách khỏi tàu mẹ của nó là Trace Gas Orbiter vào chủ nhật trước nhưng tín hiệu đã bị mất chỉ vài giây sau khi nó chạm bề mặt Sao Hoả ba ngày say đó.

Bryan
Theo Space Daily