96% sinh vật biển cùng 70% sự sống trên cạn đã bị tiêu diệt trong sự kiện tuyệt chủng Permi – Trias. Nó còn được biết đến như một Sự kiện chết chóc khổng lồ (The Great Dying Event), tuy nhiên đến nay vẫn còn những nguyên nhân rõ ràng.
“Đại tuyệt chủng này có thể gây ra bởi sự bùng nổ các đợt phun trào của núi lửa, nơi mà ngày nay chúng ta biết tới là Siberia. Những đợt phun trào kéo dài hàng triệu năm và phát ra một lượng khí khổng lồ là Carbon dioxide, Methane, khiến cho hành tinh của chúng ta trở nên nóng không chịu nổi”, Jochen Knies, một nhà nghiên cứu ở CAGE (Centre for Arctic Gas Hydrate, Environment and Climate) cho biết.
Sự sống đã mất một thời gian dài bất thường, khoảng 5 đến 9 triệu năm để phục hồi từ vụ tuyệt chủng này. Và lý do sự khôi phục diễn ra rất chậm như vậy vẫn còn là một bí ẩn
Những manh mối ở Bắc Cực
Knies - một đồng tác giả của nghiên cứu đã tới Bắc Cực để tìm kiếm những manh mối về những gì đã hạn chế sự trở lại của sự sống ở các đại dương trên thế giới. Các kết quả của nghiên cứu đã minh chứng cho khả năng những tác động lâu dài của hệ sinh thái biển để đáp ứng với sự nóng lên toàn cầu.
“Ở khu vực từng là rìa Tây Bắc của siêu lục Pangaea, ngày nay thuộc vùng phía Bắc Canada, chúng tôi đã tìm ra những bằng chứng trong hồ sơ địa chất về sự chênh lệch đáng kể các chất dinh dưỡng ở giai đoạn trước đó. Điều này có nghĩa là các đại dương trên toàn thế giới từng rất nghèo nàn các chất dinh dưỡng như Nitơ”, Knies cho biết.
Sự chênh lệch các chất dinh dưỡng này rất có thể là kết quả của sự tăng rất cao nhiệt độ bề mặt đại dương, hậu quả của sự tuyệt chủng.
Sống sót
Các đại dương của chúng ta không phải chỉ toàn nước. Chúng gồm nhiều lớp và các ranh giới phụ thuộc vào nhiệt độ (gọi là thermocline) và các chất dinh dưỡng (nutricline).
“Nhiệt độ cao khiến thermocline và nutricline bị đẩy sâu xuống trong đại dương do đó các chất dinh dưỡng ngừng trào lên từ dưới bề mặt đại dương. Từ đó, sự phát triển của tảo bị đình trệ”, theo Knies.
Và không có tảo – mắt xích cơ bản của chuỗi thức ăn, sự sống trong đại dương đã không phát triển mạnh. Cuối cùng, khi đại dương bắt đầu nguội đi, khoảng 6 – 7 triệu năm sau tuyệt chủng, các vùng biển giàu chất dinh dưỡng trở lại.
“Những ranh giới giữ các chất dinh dưỡng từ bề mặt đã suy yếu và các vùng nước đại dương đã bị pha trộn. Điều này gây ra sự trào lên của các dinh dưỡng, khôi phục lại những đại dương và dẫn tới bùng nổ sự sống. Những khoảng trống của hệ sinh thái sinh ra từ cuộc đại tuyệt chủng tồi tệ nhất trong lịch sử Trái Đất cuối cùng cũng được lấp đầy” Jochen Knies cho biết thêm
Trong nhiều mặt, đại tuyệt chủng Permi – Trias đã thiết lập lại quá trình tiến hóa của sự sống, và mở đường cho sự tiến hóa của khủng long. Rồi đến lượt chúng lại chết đi trong một đại tuyệt chủng khác diễn ra khoảng 66 triệu năm trước. Ngày nay, nhiều nhà khoa học cho rằng chúng ta đang đối mặt với một thời kỳ tuyệt chủng lớn mới mà hầu hết nguyên nhân gây ra bởi các hoạt động của con người.
L.C
Theo Space Daily