Hệ Mặt Trời có thể bị rơi vào thảm họa khi Mặt Trời chết đi nếu hành tinh thứ 9 thực sự tồn tại, theo nghiên cứu từ đại học Warwick.

 

 

Tiến sỹ Dimitri Veras ở khoa Vật lý đã phát hiện ra rằng sự có mặt của Hành tinh thứ 9 - một hành tinh theo giả thuyết có thể tồn tại ở vùng phía ngoài của Hệ Mặt Trời - có thể gây ra sự hủy diệt của ít nhất một hành tinh khổng lồ sau khi Mặt Trời chết đi, quăng chúng vào không gian liên sao thông qua một hiệu ứng giống như trò chơi pinball.

Khi Mặt Trời bắt đầu chết đi trong khoảng 7 tỷ năm tới, nó sẽ giải phóng một nửa khối lượng vật chất của mình và tự phồng lên - nuối chửng cả Trái Đất - trước khi co lại thành một sao lùn trắng. Sự giải phóng vật chất này sẽ đẩy Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương tới một khoảng cách vốn được giả định là an toàn.

Mặc dù vậy, tiến sỹ Veras đã phát hiện ra rằng sự tồn tại của hành tinh thứ 9 có thể thay đổi đoạn kết có hậu này. Ông nhận thấy rằng hành tinh thứ 9 có thể sẽ không bị đẩy ra xa theo cùng một cách thức tương tự, và trong thực tế, nó có thể bị đẩy vào phía trong và tham gia vũ điệu tử thần cùng với 4 hành tinh khổng lổ của Hệ Mặt Trời - đặc biệt là Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. Hệ quả có thể xảy ra nhất là việc giải phóng khỏi Hệ Mặt Trời một cách vĩnh viễn của những hành tinh này.

Sử dụng một đoạn mã duy nhất có thể mô phỏng cái chết của các hệ hành tinh, tiến sỹ Veras đã đánh dấu nhiều vị trí khác nhau mà ở đó hành tinh thứ 9 có thể thay đổi số phận của Hệ Mặt Trời. Khoảng cách đối với Mặt Trời càng xa, khối lượng của hành tinh này càng lớn và đi kèm với nó là một sự gia tăng đáng kể về nguy cơ mà Hệ Mặt Trời phải đối mặt với một tương lai dữ dội.

Phát hiện này có thể làm sáng tỏ về những kết cấu hành tinh trong những hệ mặt trời khác nhau. Gần một nửa những sao lùn trắng đang tồn tại có chứa đá, một dấu hiện tiềm năng của những mảnh vỡ được tạo ra từ một thảm họa tương tự tại một hệ hành tình khác với một "Hành tinh thứ 9 cách xa sao mẹ" của riêng chúng.

Thực tế, cái chết trong tương lai của Mặt Trời có thể giải thích về sự tiến hóa của các hệ hành tinh khác.

Tiến sỹ Veras giải thích về sự nguy hiểm mà Hành tinh thứ 9 có thể tạo ra: "Sự tồn tại của một hành tinh khổng lồ cách xa sao mẹ có thể, về cơ bản, thay đổi số phận của Hệ Mặt Trời. Cụ thể, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương sẽ không còn an toàn khi Mặt Trời chết đi. Số phận của Hệ Mặt Trời sẽ phụ thuộc và khối lượng và tính chất quỹ đạo của Hành tinh thứ 9, nếu nó tồn tại".

"Tương lai của Mặt Trời có thể được báo trước bởi các sao lùn trắng bị 'ô nhiễm' bởi những mảnh vụn đá. Hành tinh thứ 9 có thể đóng vai trò như một chất xúc tác cho sự ô nhiễm này. Danh tính tương lai của Mặt Trời dưới dạng sao lùn trắng có nguy cơ bị 'ô nhiễm' bởi các mảnh vụn đá có thể được phản ánh thông qua việc quan sát các sao lùn trắng khác trong khắp thiên hà Milky Way", tiến sỹ Veras bổ sung thêm.

Bài báo mang tên "Số phận của Hệ Mặt Trời liên quan tới một hành tinh xa xôi" sẽ được đăng trong Thông báo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia.

Ngô Long
Theo Science Daily