Vũ trụ đã 13,8 tỷ năm tuổi, trong khi đó Trái Đất của chúng ta hình thành mới 4,5 tỷ năm trước. Một số nhà khoa học nghĩ rằng khoảng cách thời gian này có nghĩa là sự sống trên những hành tinh khác có thể ra đời trước chúng ta hàng tỷ năm. Tuy nhiên, nghiên cứu lý thuyết mới gợi ý rằng sự sống ngày nay thực sự vẫn còn quá sớm đối với vũ trụ.

 

"Nếu bạn hỏi rằng khi nào là lúc sự sống có khả năng xuất hiện nhất, bạn có thể trả lời một cách ngây thơ 'Bây giờ', nhưng chúng tôi thấy rằng cơ hội cho sự sống phát triển nằm ở tương lai xa." - Trưởng nhóm tác giả Avi Loeb tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian nói.

Sự sống như chúng ta biết có nguồn gốc từ thời điểm khoảng 30 triệu năm sau Big Bang, khi các sao đầu tiên ném vào vũ trụ những nguyên tố cần thiết như carbon và oxy. Sự sống sẽ kết thúc sau khoảng 10 nghìn tỷ năm nữa khi những sao cuối cùng mờ dần và chết đi. Loeb và các đồng nghiệp của ông đã xem xét khả năng xuất hiện sự sống tương đối giữa hai giới hạn đó.

Yếu tố chi phối sự sống là thời gian sống của các sao. Khối lượng sao càng lớn, thời gian sống càng ngắn. Các sao có khối lượng lớn hơn ba lần Mặt Trời sẽ tắt trước khi sự sống có cơ hội xuất hiện ở một hành tinh trên quỹ đạo quanh nó.

Ngược lại, các sao nhỏ nhất có khối lượng ít hơn 10% khối lượng Mặt Trời. Chúng sẽ phát sáng suốt 10 nghìn tỷ năm, đủ cho sự sống xuất hiện trên bất cứ hành tinh nào chuyển động quanh nó trong vùng sống được. Kết quả là trên thực tế, khả năng xuất hiện của sự sống ở tương lai xa của vũ trụ cao gấp 1.000 lần so với khả năng của hiện tại.

"Thế thì bạn có thể hỏi, tại sao chúng ta không sống ở tương lai xa với một sao khối lượng thấp?", Loeb nói. "Có khả năng rằng chúng ta đã bị 'sinh non'. Một khả năng khác là môi trường quanh sao khối lượng thấp là nguy hiểm cho sự sống."

Mặt dù các sao lùn đỏ với khối lượng thấp có đời sống kéo dài, chúng cũng mang lại những hiểm hoạ. Khi còn trẻ chúng phóng ra những quầng lửa mạnh và bức xạ tử ngoại có thể phá huỷ khí quyển của bất cứ hành tinh nào nằm trong vùng sống được của chúng.

Để xác định xem khả năng nào là đúng - sự sinh non của chúng ta hay đe doạ từ sao khối lượng thấp - Loeb gợi ý việc nghiên cứu các sao lùn đỏ gần chúng ta và các hành tinh của chúng để tìm kiếm dấu hiệu của khả năng sống được. Các nhiệm vụ không gian trong tương lai như TESS (vệ tinh khảo sát các ngoại hành tinh bằng phương pháp quá cảnh) và kính thiên văn không gian James Webb sẽ có thể giúp trả lời những câu hỏi này.

L.C
Theo Science Daily