Các nhà thiên văn học tại Trường Văn học, Khoa học và Nghệ thuật (LSA) thuộc Đại học Michigan đã lần đầu tiên khám phá ra khí nóng trong quầng của thiên hà Milky Way đang quay cùng chiều và với vận tốc gần với đĩa chính của thiên hà - nơi có chứa các sao, hành tinh, khí và bụi của chúng ta. Thông tin mới này làm sáng tỏ thêm cách mà từng nguyên tử lắp ráp lại thành các sao, hành tinh và thiên hà, cũng như tương lai của các thiên hà như thiên hà chúng ta.

 

"Điều này trái ngược với dự đoán," Edmund Hodges-Kluck, nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho biết. "Mọi người giả định rằng đĩa của Milky Way quay trong khi đám khí nóng khổng lồ này cố định - nhưng điều đó là sai. Đám khí nóng này cũng quay, chỉ không nhanh bằng đĩa thiên hà."

Nghiên cứu mới do NASA tài trợ sử dụng dữ liệu lưu trữ của kính thiên văn XMM-Newton - một kính thiên văn của Cơ quan không gian châu Âu (ESA). Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Astrophysical Journal. Nghiên cứu tập trung vào quầng thiên hà chứa đầy khí nóng của chúng ta, có kích thước lớn hơn nhiều lần đĩa của Milky Way và chứa đầy khí ở dạng plasma ion hoá.

Vì chuyển động gây ra dịch chuyển trong bước sóng của ánh sáng, các nhà nghiên cứu đã đo những dịch chuyển như vậy qua việc theo dõi các vạch của oxy rất nóng. Điều họ tìm được thực sự gây chấn động: sự dịch chuyển của các vạch đo được cho thấy quầng thiên hà quay cùng chiều với đĩa thiên hà và với vận tốc chỉ chậm hơn một ít.

"Sự quay của quầng nóng là một manh mối tuyệt vời cho cách mà Milky Way đã hình thành," Hodges Kluck nói. "Nó cho chúng ta biết rằng đám khí nóng này là nguồn ban đầu của rất nhiều vật chất trong đĩa."

Các nhà khoa học từ lâu đã đặt câu hỏi tại sao hầu hết các thiên hà, trong đó có Milky Way của chúng ta dường như thiếu rất nhiều vật chất mà họ hi vọng tìm thấy. Các nhà thiên văn học tin rằng khoảng 80% vật chất trong vũ trụ là vật chất tối - loại vật chất bí ẩn chỉ được biết tới qua tương tác hấp dẫn của nó. Nhưng ngay cả 20% vật chất thông thường còn lại cũng hầu hết không được tìm thấy ở các đĩa thiên hà. Gần đây nhất, một phần nào vật chất bị thiếu này đã được thấy ở quầng thiên hà. Các nhà nghiên cứu cho biết việc nghiên cứu về hướng và vận tốc quanh của quầng có thể giúp chúng ta hiểu được cả cách mà vật chất đã tập hợp lại cũng như tốc độ mà chúng tạo thành các thiên hà.

"Giờ đây chúng tôi đã biết về sự quay này, các nhà lý thuyết sẽ bắt đầu sử dụng nó để tìm hiểu cách mà thiên hà Milky Way của chúng ta hình thành cũng như số phần cuối cùng của nó," Joel Bregman, giáo sư thiên văn học tại LSA nói. "Chúng ta có thể sử dụng khám phá này để nghiên cứu nhiều hơn nữa - sự quay của quầng sẽ là một nội dung lớn của cácquan sát quang phổ tia X trong tương lai."

Bryan
Theo Science Daily