Ngày 28/6 các nhà thiên văn học đã công bố những bức ảnh ngoạn mục chụp ở bước sóng hồng ngoại của vũ trụ xa, cung cấp cái nhìn sâu nhất từng đạt được trên một vùng rộng lớn của bầu trời. Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi giáo sư Omar Almaini, đã trình bày các kết quả của họ tại Hội nghị Thiên văn học quốc gia tổ chức tại Đại học Nottingham.

 

Công bố dữ liệu cuối cùng từ Khảo sát Cực Sâu (UDS) đã vẽ bản đồ một khu vực trên bầu trời với kích thước gấp bốn lần đĩa sáng biểu kiến của trăng tròn với chiều sâu chưa từng có. Hơn 250.000 thiên hà đã được phát hiện, trong đó có vài trăm thiên hà được quan sát trong một tỷ năm đầu tiên sau Big Bang. Các nhà thiên văn khắp thế giới sẽ sử dụng những bức ảnh mới này để nghiên cứu các giai đoạn đầu của sự hình thành và tiến hóa của thiên hà.

Đây là kết quả tốt nhất của một dự án bắt đầu thu thập dữ liệu từ năm 2005. Các nhà khoa học đã sử dụng Kính thiên văn Hồng ngoại của Vương quốc Anh (UKIRT) đặt ở Hawaii để quan sát một số vùng của bầu trời lặp đi lặp lại, với thời gian phơi sáng lên đến hơn 1.000 giờ. Quan sát ở bước sóng hồng ngoại là rất cần thiết để nghiên cứu vũ trụ xa, bởi vì ánh sáng từ các sao bị "dịch chuyển đỏ" do sự dãn nở của vũ trụ khiến bước sóng của chúng dài hơn khi tới với chúng ta.

Bởi có giới hạn của vận tốc ánh sáng, những thiên hà xa nhất sẽ được quan sát ở quá khứ rất xa của chúng.

"Với UDS chúng tôi có thể nghiên cứu các thiên hà xa với số lượng lớn, và quan sát cách chúng tiến hóa ở những giai đoạn khác nhau trong lịch sử của vũ trụ. Chúng tôi thấy phần lớn các thiên hà trong bức ảnh của mình ở thời điểm hàng tỷ năm trước khi Trái Đất hình thành", Almaini cho biết.

UDS là nghiên cứu sâu nhất trong 5 dự án, còn gọi là Khảo sát bầu trời sâu bằng Hồng ngoại UKIRT (UKIDSS).

Hình ảnh một vùng nhỏ (0,4%) trong trường quan sát của UDS. Phần lớn các đối tượng trong ảnh là các thiên hà ở rất xa, được quan sát ở thời điểm 9 tỷ năm trước. Trong bức ảnh đầy đủ, 250.000 thiên hà đã được phát hiện trên một vùng trời có diện tích bằng bốn lần kích thước biểu kiến của trăng tròn.

 

Dữ liệu được công bố sớm hơn từ UDS đã đem lại một phạm vi rộng của tiến bộ khoa học, bao gồm những nghiên cứu về những thiên hà hình thành sớm nhất trong khoảng 1 triệu năm sau Big Bang, các phép đo sự tạo thành các thiên hà theo thang thời gian vũ trụ, và các nghiên cứu về sự phân bố các thiên hà trên quy mô lớn để đo khối lượng "vật chất tối" tràn ngập vũ trụ. Chiều sâu được thêm vào bởi công bố mới này được mong đợi sẽ tạo ra nhiều bước đột phá mới.

"Chúng tôi đặc biệt hứng thú với việc hiểu được sự chuyển đổi ấn tượng mà nhiều thiên hà nặng đã trải qua khoảng 10 tỷ năm trước", tiến sĩ William Hartley, nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học London cho biết. "Vào thời điểm đó nhiều thiên hà có vẻ như đột ngột ngừng tạo sao, và chúng cũng thay đổi hình dạng để tạo thành các thiên hà có dạng cầu. Chúng tôi vẫn chưa hiểu đầy đủ tại sao điều này xảy ra. Với những hình ảnh mới của UDS chúng tôi hy vọng có thể tìm thấy một số lượng lớn các thiên hà như vậy, bắt gặp được chúng khi chúng đang trong quá trình chuyển đổi, như vậy chúng tôi có thể nghiên cứu chúng một cách chi tiết để trả lời câu hỏi bí ẩn này."

Hoàng Gia Linh
Theo Science Daily